Sau 02 tháng kể từ khi phát động Chương trình (25/7 -25/9/2018), Ban Tổ chức đã nhận được 48 gương thầy cô giáo từ các tỉnh, thành phố; người nhiều tuổi nhất là thầy giáo Vy Văn Vọng, sinh năm 1961, giáo viên cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Lạng Sơn, và người trẻ tuổi nhất là cô giáo Đoàn Thị Nhật Phương, sinh năm 1990, giáo viên Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và cô giáo Nguyễn Thị Dang, sinh năm 1990, giáo viên trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; người có thời gian tham gia dạy lâu năm nhất là cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiếu, giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, tỉnh Thái Bình dạy học là từ năm 1985 tới nay.
Trước đó vào ngày 14/11/2018, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam gặp mặt, động viên và tặng quà 48 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu trong Chương trình vào chiều ngày 14/11/2018; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc gặp mặt, động viên và tặng Bằng khen cho 48 thầy cô giáo trong Chương trình. Trong khuôn khổ các hoạt động của chương trình, sáng 15/11/2018 đã diễn ra Hội thảo “Phát triển công tác xã hội trong chăm sóc và giáo dục đối với người khuyết tật” vào sáng ngày 15/11/2018.
Tại chương trình, ông Nguyễn Đình Tâm - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long, đại diện Ban tổ chức chia sẻ: “Bằng tình yêu thương và sự tận tâm, các thầy cô giáo đã đem đến niềm vui, sự tự tin hòa nhập cộng đồng cho những học trò kém may mắn. Công việc của họ gian khổ nhưng mang nhiều ý nghĩa cao đẹp. Với những hỗ trợ thiết thực và sự tôn vinh xứng đáng, chương trình Chia sẻ cùng thầy cô mong muốn san sẻ những khó khăn và tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các giáo viên dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Suốt bốn năm qua, Chia sẻ cùng thầy cô luôn sáng bừng vì tình cảm thầy trò tròn đầy, nghị lực phi thường và sự tận tâm của các thầy cô giáo. Chính các thầy cô giáo “cắm bản”, thầy cô nơi biển đảo, thầy giáo quân hàm xanh và thầy cô dạy các học trò kém may mắn đã kể thêm những câu chuyện cao đẹp về nghề giáo. Nhờ họ, xã hội càng trân trọng người thầy và tiếp nối truyền thống tôn sự trọng đạo tốt đẹp”.
Chia sẻ lý do lựa chọn chủ đề năm nay, đồng chí Lê Quốc Phong Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam cho biết, theo thống kê của Bộ LĐ - TB - XH, hiện Việt Nam có trên 2,5 trẻ khuyết tật. “Khi thực hiện chương trình, chúng tôi tự hỏi: vì sao các thầy cô lại lựa chọn con đường gian nan đến thế, có cả những thầy cô còn rất trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Chọn nghề giáo dạy học sinh khuyết tật vất vả bội phần và không chỉ là hy sinh của bản thân còn là sự cảm thông của gia đình, người thân. Chúng tôi tìm được câu trả lời từ chính các câu chuyện đời, câu chuyện nghề của các thầy cô giáo, bởi các thầy cô đều có chung một lẽ sống “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ biết dành phần ai… Chúng tôi tin rằng, mỗi thầy cô dự chương trình hôm nay sẽ tạo nên nhiều cảm xúc tốt đẹp, lan tỏa những giá trị tiêu biểu của nhà giáo, của sự nghiệp trồng người. Chúng tôi mong mỏi những câu chuyện về các thầy cô giáo là những câu chuyện đẹp giúp thanh niên, đặc biệt là những em học sinh, sinh viên, học tập noi theo, sống đẹp, sống có ích cho cộng đồng”.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đánh giá cao việc tổ chức chương trình và xúc động cho biết các thầy cô giáo không chỉ là những người người nghị lực kiên trì còn là những tấm lòng hết sức bao la, là những tấm gương vượt qua khó khăn để dạy dỗ học sinh và đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. “Tôi thành tâm biết ơn các em học sinh dù khuyết tật nhưng vẫn luôn khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Cảm ơn các em bị thiệt hỏi cả vật chất và tinh thần nhưng vẫn vươn lên làm được những việc mà những người lành lặn có khi không làm được; là tấm gương nhắc nhở ít nhất là với tôi rằng có những người còn khó khăn hơn nhiều vẫn vươn lên thành người có ích cho xã hội”, Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng lưu ý, hiện cứ 100 trẻ khuyết tật, dù đang tuổi đi học, nhưng mới có hơn 6 trẻ được đến trường. S ố trẻ đến trường như vậy là quá thấp. Vì vậy, trong đổi mới giáo dục thời gian tới cần quan tâm hơn tới vấn đề này. Trường phổ thông phải có cơ sở vật chất, trang bị kinh nghiệm và kiến thức cho các thầy cô để dạy trẻ khuyết tật hòa nhập. Đồng thời, Phó thủ tướng cũng mong muốn các học sinh, sinh viên hiện có những điều kiện thuận lợi cần phải cố gắng, nhìn vào những tấm gương của các thầy cô giáo, của người khuyết tật hôm nay mà có thêm động lực để cống hiến.