Để đạt kỷ lục hoàn thành sớm hơn 3 năm so với dự kiến, tiết kiệm cho Nhà nước hàng chục ngàn tỉ đồng, trí tuệ Việt Nam chính là “chìa khóa thành công” trên công trình thủy điện Sơn La, lớn nhất Đông Nam Á và 100% “Made in Việt Nam”. Ngày đầu xuân gặp kỹ sư Nguyễn Tăng Cường (Tổng Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung, người được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ năm 2012), cùng hồi tưởng hành trình gian nan đến vinh quang.
Thả roto ở công trình thủy điện Sơn La |
Bài “sát hạch” ngặt nghèo
Là công trình thủy điện được thiết kế với công suất lớn nhất Đông Nam Á, có tính chất "bộ mặt quốc gia", Chính phủ luôn giám sát chỉ đạo chặt chẽ các đơn vị thi công, và yếu tố an toàn được đặt hàng đầu. Là người đứng đầu đơn vị đề xuất chế tạo cần cẩu phục vụ thủy điện, kỹ sư Cường đã gặp vô vàn thách thức. Câu hỏi đặt ra là với một công trình tầm cỡ như thế, liệu chiếc cần cầu khổng lồ do doanh nghiệp Việt Nam chế tạo có bảo đảm an toàn?
Lấy một ví dụ để có thể hiểu rõ sự lo lắng của những người giám sát chất lượng công trình. Trong mỗi tổ máy của một công trình thủy điện, có thể coi chiếc roto là "trái tim" của tổ máy đó. Thủy điện Sơn La có tổng cộng sáu tổ máy, mỗi roto có khối lượng hàng ngàn tấn. Cần cẩu phải nâng roto hạ từ độ cao 30m xuống độ sâu để ráp vào lỗ tổ máy, trong khi khe hở mỗi bên chỉ khoảng 8- 10mm, nếu sai lệch thì hậu quả khôn lường. Cần cẩu Việt Nam liệu có độ chính xác tuyệt đối ấy?
Lấy tài sản, danh dự và uy tín ra “thế chấp”, kỹ sư Cường đã thuyết phục được cơ quan quản lý và các nhà đầu tư. Vượt qua cửa ải đầu tiên, khi đã được chế tạo xong, những chiếc cần cẩu phải trải qua giai đoạn "sát hạch" cực kỳ khắc nghiệt. Dưới sự giám sát của một Hội đồng nghiệm thu gồm những chuyên gia kỳ cựu, cần cẩu sức nâng 1200 tấn được mang ra thử nghiệm: Phải thử nâng một khối lượng nhất định rồi dừng, hạ xuống và tiếp tục dừng, mục đích thẩm định hệ thống phanh hãm, độ chính xác.
Lần thử thứ nhất, cần cẩu nâng một khối lượng 700 tấn, phía dưới kê… một viên gạch. Cái khó là cần cẩu phải hạ khối hàng khổng lồ ấy xuống chạm hờ vào viên gạch rồi dừng lại sao cho viên gạch không bị vỡ. Lần "sát hạch" đầu tiên thành công.
Ở lần thử thứ hai, quy trình tương tự, có thêm một tờ giấy khổ A4 được đặt trên viên gạch. Khó ở chỗ cần cẩu phải “khéo léo” làm sao để tờ giấy bị đè chặt giữa khối hàng 700 tấn và viên gạch, tờ giấy không rút ra được mà viên gạch… vẫn phải còn nguyên vẹn. Khối sắt thép đồ sộ của người Việt Nam đã thực hiện mọi yêu cầu chính xác đến từng li. Đến lúc này, mọi người mới thở phào vì những chiếc cẩu đã “vượt qua kỳ thi”. Hành trình lên với thủy điện Sơn La bắt đầu.
“Cẩu trục què” Made in Việt Nam |
Kỳ tích của cơ khí Việt
Những chiếc cần cẩu khổng lồ từ miền xuôi lên Sơn La chỉ có một con đường đi duy nhất là đường thủy, được đưa lên pông - tông (giống như xà lan nhưng có tàu hướng lái). Tháng 3/2011, nước sông rất cạn, pông – tông vừa qua Hà Nội chừng 20km thì gặp sự cố. Cõng trên mình khối lượng quá lớn, cả xà lan bị mắc kẹt giữa lòng sông.
Thời điểm đó, tiến độ thi công ở công trình lại đang đòi hỏi phải có cần cẩu trong thời gian sớm nhất. Vì liên quan đến mực nước hồ Hòa Bình xả ra - vào trong năm, nếu cẩu không thể di chuyển lên thì công trình sẽ phải chậm tiến độ cả năm trời. Một cuộc họp khẩn cấp được triệu tập. Phương án táo bạo được đưa ra, theo đó cần cẩu được bơm khí ni tơ rồi kéo xuống lòng sông. Nhờ sáng kiến này, chiếc cẩu nghễu nghện nổi trên dòng sông, được kéo vắt qua đập Hòa Bình, đến với công trình thủy điện chỉ trong thời gian chưa đầy 15 ngày.
Sự có mặt của những cần cẩu trọng tải 1200 tấn đã giúp cho việc thả roto ở cả 6 tổ máy hoàn thành một cách ngoạn mục. Một kỳ tích nhưng không phải dựa trên sự ngẫu nhiên may mắn nào đó. Những chiếc cần cẩu là thành quả việc áp dụng 5 giải pháp công nghệ trong việc chế tạo các thiết bị nâng hạ, mang thương hiệu của Xí nghiệp Quang Trung: 1/ Ứng dụng công nghệ dự ứng lực vào sản xuất cần cẩu; 2/ Chế tạo thành công và ứng dụng vành mâm xoay răng chốt cho các cần cẩu chân đế; 3/ Chế tạo thành công và ứng dụng hộp số hành trình; 4/ Sử dụng bộ điều khiển động cơ kiểu biến tần; 5/ Sử dụng công nghệ tự động hóa trong điều khiển và vận hành cần cẩu.
Nhờ những công nghệ đó, những chiếc cần cẩu "khủng" không những vận hành chính xác một cách tuyệt đối mà còn có tính năng vượt trội so với các sản phẩm cùng loại do nước ngoài sản xuất. Được biết, chiếc cần cầu "khủng" do Việt Nam chế tạo chỉ có giá 170 tỉ đồng, trong khi nếu nhập ngoại sản phẩm cùng loại có giá khoảng 300- 400 tỉ đồng. Không chỉ ưu thế về giá cả, hệ thống điều khiển từ xa được lập trình gần thì có thể điều khiển ở cự ly 100m; còn xa thì từ hàng nghìn km thông qua hệ thống vệ tinh. Ứng dụng này giúp cho việc điều hành và kiểm soát cần cẩu rất linh hoạt mà vẫn bảo đảm an toàn, chính xác tuyệt đối về kỹ thuật.
Tiến độ thi công thủy điện Sơn La được rút ngắn còn có sự đóng góp của loại "cẩu trục què" cũng được chế tạo bởi xí nghiệp cơ khí nêu trên. Theo quy trình, phải đưa những cấu kiện nặng lên cao độ 228m và trong thiết kế kỹ thuật, yêu cầu hạng mục này phải sử dụng cần cẩu ngoại 350 tấn. Nếu chờ nhập về thì sẽ không kịp tiến độ tích nước hồ, "cẩu trục què" (cách gọi dân dã, là loại cẩu một chân cao, một chân thấp) của Việt Nam đã vào cuộc, vận chuyển thành công 17 ngàn tấn thiết bị, giúp đẩy nhanh tiến độ hạng mục ít nhất 23 tháng.
Vai trò to lớn của những chiếc cần cẩu "khủng" góp vai trò dẫn đến thành công của công trình thế kỷ thủy điện Sơn La không chỉ mang lại cho kỹ sư Cường Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ năm 2012. Quan trọng hơn, đó là mốc son cho ngành cơ khí Việt Nam trên con đường phát triển. Từ đây, các sản phẩm cơ khí mang thương hiệu Việt đã sẵn sàng cạnh tranh với hàng ngoại ở thị trường nội địa, không thua kém kém về chất lượng, ưu thế về giá cả.
Những kỷ lục trên công trường Thủy điện Sơn La: Công suất “khủng” nhất: Sơn La là công trình thủy điện có công suất lớn nhất với công suất lắp đặt 2.400MW, gồm 6 tổ máy (6 tổ x 400 MW). Điện lượng trung bình năm: 10,246 tỷ kWh Lực lượng thi công đông đảo nhất: Trên công trường, thời kỳ cao điểm có tới hơn 12 ngàn công nhân thường xuyên làm việc; hơn 16,6 triệu mét khối đất đá được đào xúc; hơn 20 triệu mét khối đất đá được vận chuyển; đầm hàng triệu mét khối đất nền; đổ gần 6 triệu mét khối bê tông; lắp đặt 115 ngàn tấn thiết bị… Hồ chứa nước rộng nhất: Hồ chứa nước của thủy điện Sơn La nếu tích nước đến cao trình, diện tích lưu vực của hồ sẽ phủ rộng gần 44 ngàn km2 thuộc địa phận 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. |
Thanh Huyền