Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, việc áp dụng án lệ trong các phán quyết của Tòa chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các khuyết điểm của pháp luật, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, tạo tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của Tòa án. Qua đó, án lệ có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án mà còn đối với cả cộng đồng xã hội.
Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự: “Tòa án không những được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Chính vì thế, án lệ được quy định là một trong những căn cứ mà Tòa án có thể áp dụng để giải quyết vụ việc.
Chánh án TANDTC cũng khẳng định, từ thực tiễn cho thấy, bên cạnh việc học tập kinh nghiệm quốc tế thì để bảo đảm chất lượng, giá trị pháp lý và tính khả thi của án lệ, việc ban hành án lệ phải được tiến hành thông qua một quy trình hết sức chặt chẽ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Theo đó, các quy định về quy trình ban hành và áp dụng án lệ cần phải được cụ thể hóa bằng một văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực bắt buộc chung. Trên cơ sở quán triệt đầy đủ các quan điểm, chủ trương và đường lối của Đảng về cải cách tư pháp từ đó TANDTC đã triển khai việc nghiên cứu và xây dựng thành công Đề tài khoa học cấp Bộ về “Triển khai án lệ vào công tác xét xử của Tòa án Việt Nam”.
Tại hội thảo, trong số 35 bản án, quyết định giám đốc thẩm mà TANDTC đưa ra, các nhà khoa học thảo luận, cho ý kiến đối với 5 quyết định giám đốc thẩm được nhìn nhận là có tính phổ biến và điển hình hơn cả cho việc đề xuất lựa chọn án lệ với các vấn đề như việc xác định tội danh, phân biệt tội giết người và tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người; xác định tài sản chung là quyền sử dụng đất của vợ chồng được tặng cho trên thực tế…