Cụ thể hóa trách nhiệm đầu mối của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình cao với chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với những căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn được phân tích, đánh giá nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Các đại biểu cho rằng, việc Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án này vào thời điểm hiện nay là phù hợp, tranh thủ được thời cơ, thế và lực của đất nước, giảm chi phí, cơ hội và tạo sự bứt phá, sức lan tỏa của đầu tàu kinh tế và trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, các trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.
Để hai dự án trên có thể triển khai nhanh và sớm phát huy hiệu quả, đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn TP Hà Nội) cho rằng cần rút kinh nghiệm từ các công trình đường bộ trước đây về công tác quy hoạch.
Theo đó, hướng tuyến hành lang công trình cần đặc biệt coi trọng và đồng bộ hóa công tác quy hoạch đối với các khu đô thị dân cư, khu tái định cư, quy hoạch cảnh quan, môi trường, công trình thoát nước, tránh tình trạng ô nhiễm, mất cảnh quan và ngập lụt thường xuyên xảy ra như hiện nay.
Về công tác giải phóng mặt bằng, theo đại biểu, việc cả hai dự án nêu trên đều tách riêng dự án xây dựng công trình và dự án giải phóng mặt bằng, phân chia thành các dự án thành phần, giao cho các địa phương chủ trì thực hiện sẽ thúc đẩy quá trình triển khai nhanh và hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và kinh phí.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc xác định đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của địa phương nào do địa phương đó thực hiện mà không xây dựng khung giá chung cho toàn dự án sẽ có nguy cơ gây ra tình trạng so bì, giá đền bù, khiếu kiện, đặc biệt đối với các khu vực giáp ranh giữa các địa phương.
Vì vậy, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị Chính phủ cần lưu ý vấn đề này, cần cụ thể hóa trách nhiệm đầu mối của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tại dự thảo Nghị quyết của các dự án khi quy định pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm cũng như trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, vai trò để tổ chức thực hiện và quản lý dự án được thông suốt và hiệu quả.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, đây là các dự án liên vùng, đi qua nhiều tỉnh; mỗi tỉnh, TP có chính sách đền bù tái định cư khác nhau.
Đó đó, đại biểu đề xuất Chính phủ giao cho TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội là đầu mối tổ chức thực hiện, đồng thời làm rõ vai trò, đầu mối, nhiệm vụ, quyền hạn để khi thực hiện được thuận lợi.
Cũng theo đại biểu, Chính phủ cần có chỉ đạo thống nhất chính sách đền bù, nhất là địa phương có đất liền kề nhau mà địa giới hành chính lại khác nhau.
Nêu cụ thể về nội dung chỉ định thầu trong quá trình triển khai dự án áp dụng đối với gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề xuất cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có liên quan xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án này.
Theo đại biểu, đối với các gói thầu liên quan, có nhiều địa phương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư nên việc Thủ tướng ủy quyền có nghĩa là quyền vẫn là do Thủ tướng quyết định giao cho nơi thực hiện.
Mặt khác, đại biểu kiến nghị, cần quy định trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong thời gian thực hiện dự án, nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu hay nếu phát sinh những vấn đề liên quan cần xin ý kiến thì Chủ tịch UBND các tỉnh, TP báo cáo Thủ tướng. Nếu cần thiết thì trong dự thảo Nghị quyết có thể là Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế này.
Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề xuất chỉnh lại trong dự thảo Nghị quyết là Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế, đề nghị là 3 năm kể từ ngày ban hành Nghị quyết.
Phát biểu tranh luận với đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là 2 công trình “để đời cho con cháu” cần giao Thủ tướng Chính phủ “cầm trịch”, nếu giao cho các địa phương sẽ dễ dẫn tới tình trạng “xôi đỗ” và không đồng nhất.
Chú ý địa tô chênh lệch do Nhà nước tạo ra từ hoạt động đầu tư công
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) khẳng định ý nghĩa của các tuyến đường nói trên khi được xây dựng không chỉ phát triển cho vùng mà còn phát triển cho lưu thông hàng hóa trong cả nước.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên họp. |
Theo đại biểu, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TPHồ Chí Minh đều là đường cao tốc nhưng khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác mà đây là cao tốc của vành đai.
Do đó, khi các tuyến đường này hình thành, các khu vực lân cận quanh đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối. “Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu cho biết thêm, thời gian qua, khi mới chỉ nghe dư luận là Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về tuyến đường này thì giá đất đai ở khu vực này đã sôi động và tăng lên rất nhiều lần.
Cho rằng nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này sẽ bị lãng phí, đại biểu đề nghị, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường này, Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này.
Theo đó, cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai, nên quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường không chỉ là đường song hành mà còn có các hệ thống đường kết nối trong khu vực.
Cũng theo đại biểu, khi tiến hành đấu thầu các dự án này sẽ có được các khu đô thị hiện đại, khai thác nguồn lực và tránh tình trạng phát triển tự phát.
Có chung ý kiến, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, đã đến lúc phải nhận thức về hiệu quả của đầu tư công không chỉ là về giao thông mà đằng sau đó là địa tô chênh lệch do Nhà nước tạo ra từ hoạt động đầu tư công.
Đại biểu khẳng định, lâu nay chúng ta không đánh giá vấn đề này, nên mất đi một nguồn lực quan trọng đó là thu được chênh lệch địa tô từ tác động kinh tế của dự án.
Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ song hành với việc triển khai các dự án cần song hành xây dựng các dự án liên kết để khai thác quỹ đất ở hành lang của các dự án giao thông này, đặc biệt là khu công nghiệp, khu đô thị và những khu vực đất cho thuê để khai thác giá trị địa tô để thu về cho ngân sách bù đắp cho chi phí làm đường.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lê Hoài Trung (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, qua kinh nghiệm quốc tế, khi xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng đều nảy sinh các vấn đề về hiệu quả, vi phạm…
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả triển khai các dự án, đại biểu kiến nghị nên có cơ chế về chuyên môn, ví dụ, có thể thành lập các nhóm đặc trách để giải quyết, hỗ trợ thêm về các vấn đề pháp lý, hành chính và kỹ thuật cho các địa phương khi có vấn đề.
Mặt khác, đại biểu cho rằng nên có cơ chế giám sát, kiểm tra để giúp giảm bớt các sai sót trong quá trình triển khai thực hiện.