Triển khai các hoạt động tăng cường phát hiện bệnh lao trong bối cảnh dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thông tin từ Chương trình Chống lao Quốc gia vừa cho biết, dự án của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Hỗ trợ chấm dứt bệnh lao đã hoàn thành 8 đợt của Chiến dịch phát hiện chủ động ca lao và lao tiềm ẩn tại cộng đồng ở các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Tiền Giang, Tây Ninh, Cần Thơ, Đồng Tháp và Thái Bình đã kết thúc trong tháng 11/2021.
Triển khai các hoạt động tăng cường phát hiện bệnh lao trong bối cảnh dịch COVID-19

Dự án USAID Hỗ trợ Chấm dứt bệnh lao nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Tổ chức FHI 360 và của Chương trình Chống lao Quốc gia. Dự án đang triển khai hoạt động phát hiện, điều trị và dự phòng lao để hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Dự án được triển khai tại 7 tỉnh trọng điểm được chọn, với các sáng kiến và các mô hình tiếp cận mới, để tiến tới mục tiêu tăng cường phát hiện bệnh lao đưa vào điều trị hơn 90% người được phát hiện và đảm bảo điều trị thành công ít nhất 90% bệnh nhân lao.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác phát hiện và điều trị lao tại các tỉnh, thành phố đã phải chịu ảnh hưởng rất lớn. Do vậy, dự án đã phối hợp với các tỉnh triển khai chiến dịch theo đúng “Hướng dẫn triển khai các hoạt động tăng cường phát hiện bệnh lao trong bối cảnh dịch COVID-19” của Chương trình Chống lao Quốc gia để đảm bảo an toàn cho người tham gia và cán bộ y tế.

Chiến dịch đã sàng lọc bệnh lao cho người tiếp xúc, hộ gia đình của bệnh nhân lao phổi được chẩn đoán trong vòng 2 năm tính tới thời điểm thực hiện. Các nhóm nguy cơ cao bao gồm người già trên 60 tuổi, bệnh nhân tiểu đường, người hút thuốc lá, người mắc bệnh nền hoặc bệnh hô hấp mãn tính và nhóm bệnh nhân lao cũ đã hoàn thành điều trị. Người dân đến khám sàng lọc bệnh lao được chụp phim X-quang, xét nghiệm GeneXpert và TST miễn phí.

Đại diện dự án cho biết, Chiến dịch phát hiện được 136 ca lao hoạt động và 499 ca lao tiềm ẩn. Đặc biệt, tại các chiến dịch phát hiện chủ động bệnh lao ở cộng đồng của 7 tỉnh, thành phố, dự án đã lắp đặt thiết bị trí tuệ nhân tạo (qBox), hỗ trợ kỹ thuật để cán bộ chẩn đoán hình ảnh của địa phương phối hợp đọc cùng trí tuệ nhân tạo (AI/DL) theo quy trình hướng dẫn đã thống nhất với Chương trình Chống lao Quốc gia. Kết quả bước đầu cho thấy, AI/DL giúp cải thiện chất lượng phát hiện ca lao trong cộng đồng, giảm thiểu việc thực hiện xét nghiệm GeneXpert không cần thiết.

Trong các hoạt động nhằm chấm dứt bệnh lao thì lao kháng thuốc khiến việc điều trị trở nên rất khó khăn; người bệnh trở thành nguồn lây lan vi khuẩn lao kháng thuốc nguy hiểm cho cộng đồng. Có những bệnh nhân lao kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng như chỉ kháng một loại thuốc, nhưng có những bệnh nhân kháng thuốc mức độ nặng gọi là lao đa kháng thuốc, nặng hơn là siêu kháng thuốc nhưng nhìn chung lao kháng thuốc hết sức nguy hiểm. Để giảm thiểu tình trạng này, tránh lây lan trong cộng đồng, việc quản lý và theo dõi người bệnh lao kháng thuốc sau hoàn thành điều trị để phát hiện sớm người bệnh tái phát và kịp thời điều trị bằng phác đồ thích hợp là rất cần thiết.

Chính vì vậy, Dự án USAID Hỗ trợ Chấm dứt bệnh lao (USAID - SET) đã hỗ trợ Chương trình Chống lao Quốc gia xây dựng Quy trình quản lý và theo dõi người bệnh lao kháng thuốc sau hoàn thành điều trị để đáp ứng nhu cầu triển khai tại các tuyến. Quy trình sẽ được triển khai tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cùng với đó, Dự án cũng hỗ trợ Chương trình xây dựng Bảng kiểm và Hướng dẫn giám sát chuyên đề lao kháng thuốc thực hiện cho tất cả các tuyến để phù hợp với Hướng dẫn điều trị lao kháng thuốc vừa được cập nhật mới. Trong thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ việc thử nghiệm bảng kiểm tại thực địa và chỉnh sửa sau thử nghiệm để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi khi đưa vào triển khai.

Đọc thêm