Triển khai cho vay hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều ngày 8/7 , Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nghiệp vụ cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/ 2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 .
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng và Phó Tổng Giám đốc NHCSXH phụ trách khối tín dụng Huỳnh Văn Thuận đồng chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng và Phó Tổng Giám đốc NHCSXH phụ trách khối tín dụng Huỳnh Văn Thuận đồng chủ trì Hội nghị.

Ngày 01/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có nội dung giao NHCSXH thực hiện cho vay đối với cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến.

Để kịp thời đưa chính sách đi vào cuộc sống, NHCSXH tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh đánh giá cao NHCSXH trong việc nhanh chóng, tích cực triển khai chính sách ngay sau khi Chính phủ, Thủ tướng ban hành Nghị quyết, Quyết định. Để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH khẳng định cần có sự vào cuộc quyết liệt ngay từ bước đầu của toàn hệ thống chính trị từ khâu xác định đúng đối tượng cho vay đến khâu triển khai giải ngân vốn kịp thời và giám sát chặt chẽ để tránh tiêu cực, đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.

Theo đó, Thứ trưởng đề nghị NHCSXH làm tốt công tác tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương để cấp ủy, chính quyền các cấp, doanh nghiệp hiểu rõ nội dung của Nghị quyết, Quyết định, huy động sự vào cuộc đồng nhất từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt việc tuyên truyền chính sách, phát huy vai trò giám sát việc thực hiện chính sách minh bạch, hiệu quả.

Đại biểu tại các điểm cầu phát biểu thảo luận tại Hội nghị trực tuyến.

Đại biểu tại các điểm cầu phát biểu thảo luận tại Hội nghị trực tuyến.

Với tinh thần triển khai chính sách cho vay nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã” và hiệu quả, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng yêu cầu chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố tập trung coi việc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới; đẩy mạnh công khai chính sách đến các Điểm giao dịch xã, “mỗi cán bộ là một tuyên truyền viên” tuyên truyền chính sách đến toàn thể doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.

Tổng Giám đốc NHCSXH đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung, cũng như hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động theo Quyết định 23, để đảm bảo chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Tại điểm cầu Chi nhánh NHCSXH Thừa Thiên Huế.

Tại điểm cầu Chi nhánh NHCSXH Thừa Thiên Huế.

Người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc khi có đủ các điều kiện sau:

Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.

Không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Người sử dụng lao động được vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh khi có đủ các điều kiện sau:

Đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.

Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.

Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn. Có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh. Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phục hồi sản xuất, kinh doanh: Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn. Có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh. Không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Mức cho vay, lãi suất, thời hạn cho vay, thời hạn giải ngân, bảo đảm tiền vay:

Vay vốn trả lương ngừng việc: Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 03 tháng; Lãi suất cho vay: 0%/năm (không phần trăm), lãi suất nợ quá hạn: 12%/năm. Thời hạn cho vay do NHCSXH nơi cho vay và khách hàng thỏa thuận nhưng dưới 12 tháng, kể từ ngày giải ngân món vay đầu tiên. Khách hàng không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay.

Việc giải ngân của NHCSXH cho người sử dụng lao động đối với các tháng 5, 6, 7 năm 2021 được thực hiện 01 lần; thời hạn giải ngân đến hết ngày 05 tháng 4 năm 2022 hoặc khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho vay tái cấp vốn tùy theo điều kiện nào đến trước.

Hồ sơ đề nghị vay vốn gồm: Giấy đề nghị vay vốn. Danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội. Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký Hợp tác xã/hộ kinh doanh; Quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có); Giấy phép kinh doanh/Giấy phép hoạt động/Chứng chỉ hành nghề (đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc pháp luật có quy định); Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư (đối với doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài). Giấy ủy quyền (nếu có). Bản sao văn bản về việc người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022 (đối với vay vốn trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh). Phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh đối với đối tượng theo quy định. Bản sao thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của cơ quan thuế đối với người sử dụng lao động.

Người sử dụng lao động tự kê khai, lập danh sách, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với số lao động ngừng việc, số lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; phục hồi sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động; có trách nhiệm hoàn trả vốn vay đầy đủ, đúng hạn cho NHCSXH và đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định.

Người sử dụng lao động đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội. Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động, làm căn cứ để NHCSXH cho vay.

Người sử dụng lao động gửi hồ sơ đề nghị vay vốn đến NHCSXH nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú đối với hộ kinh doanh, cá nhân. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị vay vốn chậm nhất đến hết ngày 25 tháng 3 năm 2022.

Trong 04 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động, NHCSXH phê duyệt cho vay. Trường hợp không cho vay thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do đến người sử dụng lao động.

Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận tái cấp vốn, NHCSXH thực hiện giải ngân đến người sử dụng lao động.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm