Phải là “người gác cửa” tất cả vấn đề về pháp luật quốc tế
Đây là mong muốn cũng như là yêu cầu đặt ra của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đối với Vụ Pháp luật quốc tế (PLQT). Cảm ơn những cố gắng của Vụ trong hoàn thành nhiệm vụ công tác đem lại kết quả tích cực của năm 2019, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phân tích kỹ lưỡng bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay vừa là cơ hội vừa là thách thức cho những người làm công tác PLQT.
Thứ trưởng lưu ý, nếu cơ quan Tư pháp là “người gác cửa” cho cấp ủy, chính quyền về các vấn đề pháp luật thì Vụ phải là “người gác cửa” tất cả vấn đề về PLQT từ Trung ương đến địa phương. Để xứng tầm với vị trí này, từ những nhiệm vụ, công việc của mình, cán bộ làm PLQT phải truyền tải được linh hồn của các quy định trong PLQT vào hệ thống pháp luật Việt Nam để góp phần cùng đất nước hội nhập, phát triển.
|
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng bối cảnh hiện nay vừa là cơ hội vừa là thách thức cho những người làm công tác PLQT |
Theo báo cáo của Vụ PLQT, trong năm 2018, Vụ đã chủ trì thẩm định hơn 74 điều ước quốc tế, góp ý 328 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, được các Bộ, ngành đánh giá cao về chất lượng. Vụ cũng đã cấp 27 ý kiến pháp lý cho các hiệp định vay nước ngoài, bảo đảm nguồn vốn và các điều kiện pháp lý cho các hiệp định vay, thỏa thuận vay, phát hành trái phiếu quốc tế, thư bảo lãnh Chính phủ.
Vụ đã cử cán bộ tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương quan trọng như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định hỗ trợ hải quan giữa Việt Nam – Hoa Kỳ…
Vụ cũng tiếp nhận, chuyển giao gần 3.400 yêu cầu ủy thác tư pháp hai chiều, trong đó có gần 3.200 yêu cầu đối với các nước có quan hệ điều ước quốc tế với Việt Nam, và trả kết quả hơn 2.000 yêu cầu ủy thác tư pháp.
Vụ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đại diện pháp lý cho Chính phủ trong 2 vụ tranh chấp nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ; phối hợp giải quyết 3 vụ nhà đầu tư đã gửi thông báo ý định khởi kiện Chính phủ Việt Nam; phối hợp với các Bộ, ngành xử lý các vấn đề pháp lý của khoảng 40 dự án dầu khí, dự án đầu tư lớn…
Phải chọn việc, chọn trọng tâm, trọng điểm bám sát để thực hiện
Năm 2018, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đã hoàn thành các nhiệm vụ theo Kế hoạch. Bám sát phương châm hành động của Chính phủ và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đã xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2019. Theo đó, Vụ sẽ tập trung thực hiện triển khai thi hành Hiến pháp; Luật Tiếp cận thông tin; tiếp tục triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015; sơ kết Luật Phòng, chống mua bán người…
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị tham dự đánh giá cao những kết quả đạt được của Vụ đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là việc chưa kiện toàn xong tổ chức bộ máy và cán bộ. Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số nhiệm vụ như phối hợp thực hiện tổng kết Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị; phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ có liên quan giữa các đơn vị; kiện toàn công tác tổ chức bộ máy và cán bộ…
|
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chúc mừng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính được nhận danh hiệu Cờ thi đua ngành Tư pháp |
Ghi nhận các kết quả mà Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đạt được năm 2018 và chúc mừng tập thể Vụ đã được nhận danh hiệu Cờ thi đua ngành Tư pháp, Thứ trưởng nhấn mạnh “phải chọn việc, chọn trọng tâm, trọng điểm bám sát để thực hiện”. Theo đó, Thứ trưởng đề nghị, năm 2019 Vụ Pháp luật hình sự - hành chính lưu ý thực hiện một số nhiệm vụ như sơ kết 05 năm thực hiện Hiến pháp; đề án hình sự hóa các hành vi làm giàu bất chính, bất hợp pháp; thực hiện tốt hơn nữa công tác thẩm định văn bản; tiếp tục thực hiện tốt kỷ cương, kỷ luật hành chính, trong đó đặc biệt lưu ý gắn kết hơn nữa trong đơn vị…
Đề cao hơn nữa vai trò của công tác thanh tra
Báo cáo kết quả năm 2018, Phó Chánh Thanh tra Bộ Đoàn Văn Hường cho biết, Thanh tra Bộ Tư pháp đã hoàn thành kế hoạch công tác đề ra, trong đó công tác thanh tra đột xuất tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm, thu được những kết quả nhất định giúp Bộ Tư pháp thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước của ngành. Đặc biệt, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được quan tâm, chú trọng.
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao những kết quả đạt được của Thanh tra Bộ, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế như kết quả công tác thanh tra đạt được còn khiêm tốn; một số trường hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn chưa đảm bảo về mặt thời gian; cần có điểm nhấn trong công tác thanh tra, tập trung vào các điểm nóng…
|
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu lưu ý thanh tra trong một số lĩnh vực tiềm ẩn các sai phạm |
Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả được hoàn thành vượt mức so với kế hoạch năm 2018, nhất là khi công việc của Thanh tra rất nhiều, tính chất công việc phức tạp, khó khăn. Trong đó, công tác thanh tra chấp hành quy định của pháp luật; phát hiện sai sót và khắc phục kịp thời, thực hiện tốt các kết luận thanh tra. Công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện tốt; tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo tốt… Từ đó, ngăn chặn được hậu quả phát sinh, rút kinh nghiệm cho cán bộ, công chức.
Trong năm 2019, Thứ trưởng đề nghị Thanh tra Bộ nhận thức chính xác vai trò của công tác thanh tra nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh công tác thi hành pháp luật; chú trọng công tác xây dựng thể chế hoạt động thanh tra ngành; hoàn thiện các quy chế của Bộ, nhất là quy chế giải quyết đơn thư, khiếu nại; thực hiện nghiêm các công tác thanh tra năm 2019; lưu ý các lĩnh vực tiềm ẩn các sai phạm như đấu giá tài sản, luật sư, công chứng; các kết luận thanh tra cần đề cao tính chính xác; chú trọng hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra…