Hệ thống quản trị thực thi thành phố Phú Quốc trên không gian số là công cụ giúp thành phố quản lý, giám sát, xử lý các tình huống nóng gấp, nhằm đáp ứng nhu cầu của cư dân và duy trì sự phát triển của thành phố. Hệ thống hoạt động bằng cách thu thập dữ liệu từ các cảm biến IoT và các hệ thống giám sát khác, đồng thời tạo ra một mô hình số hóa của thành phố để theo dõi, phân tích các hoạt động của đô thị. Đồng thời, hệ thống cũng giúp dự đoán và phát triển đô thị thông minh bằng cách tạo ra các mô hình dự đoán về tình trạng đô thị, giao thông, đời sống cư dân. Qua đó, phát triển các kế hoạch phát triển đô thị phù hợp với tình hình thực tế…
Ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP Phú Quốc cho biết, hiện các đơn vị liên quan đã đề xuất triển khai hệ thống trên thành hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2024 - 2025) sẽ triển khai nền tảng quản trị tập trung và xây dựng 3 phân hệ (Quản lý quy hoạch đô thị và trật tự xây dựng, quản lý rừng và theo dõi, giám sát, điều hành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, an sinh của Phú Quốc để tích hợp vào nền tảng.
Giai đoạn 2 (2026 - 2030) sẽ nâng cấp nền tảng quản trị tập trung bằng cách tích hợp mở rộng thêm 4 phân hệ nhằm giải quyết các bài toán của thành phố trong tương lai bao gồm: Quản lý giao thông đô thị, quản lý an ninh và trật tự xã hội, quản lý du lịch số và quan trắc môi trường.
|
Ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP Phú Quốc phát biểu. |
Theo ông Hưng, Phú Quốc đang đối diện với hàng loạt thách thức trong việc quản lý và giám sát vi phạm trật tự xây dựng các hạng mục công trình trong các dự án đang triển khai. Quá trình này hiện vẫn hoàn toàn dựa vào công việc thủ công, thiếu sự đồng nhất và mất tính hiệu quả.
Do đó, việc quản lý quy hoạch đô thị và trật tự xây dựng, quản lý rừng và theo dõi, giám sát, điều hành các chỉ tiêu của Phú Quốc đã được đơn vị liên quan đề xuất giải pháp: Như thiết bị bay giám sát không người lái và ứng dụng công dân số… Đặc biệt, sử dụng dịch vụ dữ liệu ảnh viễn thám (ảnh viễn quang với độ phân giải tốt hơn hoặc bằng 0.5m cùng tần suất chụp 4 lần/ năm sẽ cho cái nhìn bao quát và chính xác về thông tin quy hoạch đô thị, kết hợp với dữ liệu ngành từ đó phát hiện và đưa ra cảnh báo cho các vi phạm về trật tự xây dựng).
Bên cạnh đó, những người dân sẽ chính là những “camera” di động phản ánh trực tiếp hình ảnh hiện trạng đô thị và trật tự xây dựng tại khu vực mình sống, giúp cung cấp thông tin chính xác về tình trạng xây dựng không phép, vi phạm quy hoạch, hoặc các hành vi trái phép liên quan đến xây dựng thông qua ứng dụng công dân thành phố Phú Quốc (Phú Quốc-S). Qua đó, không chỉ giúp cơ quan quản lý nắm bắt thông tin chính xác một cách nhanh chóng mà còn tăng cường tương tác và hợp tác giữa cộng đồng và cơ quan chức năng để duy trì trật tự xây dựng và quản lý đô thị hiệu quả.
“Kết thúc giai đoạn 1, địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá hiệu quả của việc khai thác sử dụng hệ thống. Qua đó rút kinh nghiệm phục vụ cho việc triển khai tiếp giai đoạn 2, gồm: Quản lý giao thông đô thị, quản lý an ninh và trật tự xã hội, quản lý du lịch số và quan trắc môi trường… Góp phần phát triển thành phố trong thời gian tới”, ông Hưng nói.
Chuyển đối số góp phần nâng cao chất lượng ngành du lịch Kiên Giang
Ông Bùi Quốc Thái - giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, đến nay chuyển đổi số trong ngành du lịch Kiên Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực, mang lại rất nhiều lợi ích cho công tác quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Đặc biệt khu du lịch dễ dàng cập nhật, tìm kiếm thông tin các điểm đến, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, điểm tham quan, mua sắm và các sự kiện du lịch, chương trình du lịch kết hợp với cá nhân hoá hành trình du lịch…