Triển khai thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ thứ ba bảo đảm chất lượng, hiệu quả

(PLVN) -Tập trung đầu tư thỏa đáng về nguồn lực cho công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức. Xác định đầu tư cho thể chế, pháp luật là đầu tư cho sự phát triển bền vững… là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhằm triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ thứ ba (2019 - 2023) đạt chất lượng.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã khẳng định mục tiêu đến năm 2030, nước ta có “hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận”. Kế thừa những kết quả đã đạt được trong những năm qua, cũng như bám sát, cụ thể hoá chủ trương của Đảng, chất lượng của hệ thống pháp luật nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật từng bước được nâng lên. Để đạt được kết quả này phải kể đến vai trò quan trọng của các công tác có tính chất “tiền kiểm” và “hậu kiểm”, trong đó có hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2023, các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương sẽ thực hiện hệ thống hóa văn bản kỳ thứ ba thống nhất trong cả nước (2019-2023), với thời điểm ấn định văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa để công bố là ngày 31 tháng 12 năm 2023. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh về hoạt động này.

-Thưa Thứ trưởng, ông có thể cho biết vai trò của công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật hiện nay?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh:

Như chúng ta đã thấy, trên thực tiễn, để điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành một số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật với sự đa dạng về lĩnh vực điều chỉnh, chủ thể ban hành và hình thức (loại) văn bản, đồng thời, cũng thường xuyên sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định của pháp luật để bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn quản lý nhà nước (Ví dụ: Theo số liệu báo cáo thống kê do Bộ Tư pháp công bố, trong 5 năm gần nhất, trung bình mỗi năm các bộ, ngành chủ trì soạn thảo được ban hành 878,4 văn bản quy phạm pháp luật; Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp ban hành 8968,4 văn bản quy phạm pháp luật…). Trong quá trình này không tránh khỏi có những văn bản quy phạm pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc thiếu tính khả thi dẫn đến những khó khăn, lúng túng trong việc tiếp cận, tìm hiểu, áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật. Nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, dễ tiếp cận, giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuận lợi trong việc tìm hiểu áp dụng và thi hành pháp luật, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định các cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện xử lý theo thẩm quyền, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý những văn bản quy phạm pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp thực tiễn gây khó khăn, vướng mắc, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của nhà nước; “làm sạch”, công bố văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần; định kỳ công bố chính xác các văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong cả nước.

Kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cũng giúp việc cập nhật văn bản quy phạm pháp luật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật được kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin về hiệu lực văn bản, giúp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu dễ dàng nắm bắt những quy định của hệ thống pháp luật hiện hành. Nhờ đó, quá trình áp dụng pháp luật được tiến hành nhanh chóng, chính xác hơn. Hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật còn góp phần tạo ra một hệ thống pháp luật minh bạch và những tiền đề pháp lý hoàn chỉnh để giúp cho Việt Nam sớm hội nhập với khu vực và quốc tế.

-Các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương đã thực hiện thống nhất 02 kỳ hệ thống hóa. Thứ trưởng đánh giá thế nào kết quả thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản trong thời gian qua?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh:

Trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, thực hiện quy định của các Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện 02 kỳ hệ thống hóa văn bản thống nhất trong cả nước. Kết quả hệ thống hóa văn bản 02 kỳ hệ thống hóa này có ý nghĩa rất quan trọng, tích cực trong việc góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật, cụ thể:

- Đối với kỳ hệ thống hoá đầu tiên: Thực hiện Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Nghị định này, trong đó đã xác định hệ thống hóa văn bản kỳ đầu thống nhất trong cả nước là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng nhằm sắp xếp, đánh giá lại một cách hệ thống tất cả các văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực trên cả nước tính đến ngày 31/12/2013. Đây cũng chính là cơ sở để thống nhất một thời điểm hệ thống hóa văn bản định kỳ trong cả nước, giúp cho việc triển khai các hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản, quản lý hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của cả nước sau này một cách nề nếp, khoa học. Sau hoạt động hệ thống hóa kỳ đầu, các bộ, ngành ở trung ương đã công bố 7.981 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực, 5.996 văn bản văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc hết hiệu lực một phần, 1.313 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới. Ở cấp tỉnh, các cơ quan đã công bố 21.578 văn bản còn hiệu lực, 15.558 văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc hết hiệu lực một phần, 4.575 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới.

Về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện, công bố kết quả hệ thống hóa văn bản theo quy định. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai hệ thống hóa văn bản kỳ đầu cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế, như: Nhiều cơ quan còn lúng túng về nghiệp vụ do đây là công việc khó khăn, phức tạp và lần đầu được triển khai trên diện rộng từ trung ương đến địa phương, thống nhất trong cả nước; việc xác định và tập hợp đầy đủ các văn bản phục vụ hệ thống hóa cũng như việc xác định tình trạng pháp lý của văn bản phục vụ hệ thống hóa cũng hết sức khó khăn, nhất là các văn bản được ban hành trước khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 có hiệu lực, trong khi đó số lượng văn bản cần hệ thống hóa là rất lớn, nguồn lực bảo đảm còn rất hạn chế; nhận thức về trách nhiệm, tầm quan trọng của công tác rà soát, hệ thống hóa tại một số cơ quan, đơn vị còn chưa đầy đủ, có nơi coi đây chỉ là nhiệm vụ của cơ quan tư pháp và tổ chức pháp chế. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới chất lượng, tiến độ thực hiện việc công bố và báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản kỳ đầu.

- Kỳ hệ thống hoá thứ hai (2014-2018): Các bộ, ngành ở trung ương đã công bố 8.802 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực; ở cấp tỉnh, các cơ quan đã công bố 28.290 văn bản còn hiệu lực; ở cấp huyện, các cơ quan đã công bố 12.844 văn bản còn hiệu lực và ở cấp xã, các cơ quan đã công bố 11.726 văn bản còn hiệu lực. Số văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ đã công bố là 5.215 văn bản; số văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần đã công bố là 1.207 văn bản. Việc công bố chính xác các văn bản còn hiệu lực, văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực nói trên cho thấy các cơ quan đã có nhiều nỗ lực, nhận thức được đầy đủ hơn ý nghĩa quan trọng của công tác hệ thống hóa văn bản, thực hiện nghiêm túc việc xây dựng, ban hành và triển khai kế hoạch hệ thống hóa văn bản theo quy định, quan tâm hơn trong việc bố trí nhân lực, kinh phí, các điều kiện bảo đảm khác phục vụ cho hoạt động hệ thống hóa văn bản. Việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản đã được các cơ quan thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn hơn so với kỳ hệ thống hóa văn bản đầu tiên năm 2013.

Mặc dù vậy, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản kỳ 2014-2018 như: Ở một số địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chưa thực hiện đúng, chưa bảo đảm thời gian công bố kết quả hệ thống hóa văn bản; một số bộ, ngành, địa phương còn lúng túng về cách thức triển khai, kỹ năng nghiệp vụ; một số cơ quan chưa thực hiện đầy đủ việc đăng tải kết quả hệ thống hóa văn bản trên Cổng thông tin hoặc Trang thông tin điện tử của mình; việc xác định và tập hợp đầy đủ các văn bản phục vụ hệ thống hóa vẫn gặp nhiều khó khăn; một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự chủ động, tích cực phối hợp với tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp trong triển khai hệ thống hóa văn bản;…

-Vậy để nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ thứ ba (2019 - 2023) đạt chất lượng, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản, xin Thứ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục những hạn chế của hai kỳ hệ thống hóa văn bản trước, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh:

Trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm triển khai 02 kỳ hệ thống hóa văn bản trước đây, để bảo đảm hiệu quả thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản, ngay từ sớm, Bộ Tư pháp đã chủ động có các văn bản để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ này, đồng thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực, xác định đây là nhiệm vụ công tác trọng tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2023. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn, theo dõi, tập huấn cho các công chức trực tiếp thực hiện hệ thống hóa văn bản tại các bộ, ngành, địa phương, đồng thời, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương quan tâm tập trung triển khai hiệu quả một số giải pháp sau:

- Thứ nhất, quán triệt, thống nhất nhận thức trong các cơ quan nhà nước về vị trí, tầm quan trọng của công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật đối với đời sống xã hội, nhất là trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam.

- Thứ hai, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ và chất lượng của hoạt động hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ thứ 3 thống nhất trong cả nước.

- Thứ ba, tăng cường hiệu quả phối hợp của giữa các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện hệ thống hóa văn bản; phát huy vai trò đầu mối, tổ chức, theo dõi, đôn đốc thực hiện của tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan tư pháp địa phương.

- Thứ tư, tập trung đầu tư thỏa đáng về nguồn lực cho công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức. Xác định đầu tư cho thể chế, pháp luật là đầu tư cho sự phát triển bền vững, tạo điều kiện cần thiết về nhân lực, kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác cho các cơ quan có trách nhiệm thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản được thực chất, hiệu quả tương xứng với tính chất phức tạp, quan trọng của nhiệm vụ.

- Thứ năm, tăng cường công tác truyền thông, phổ biến về kết quả hệ thống hóa văn bản kỳ 2019-2023 thống nhất trong cả nước; thực hiện nghiêm túc việc đăng tải, cập nhật kịp thời kết quả hệ thống hóa văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Cổng thông tin hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan hệ thống hóa văn bản, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho việc áp dụng và thi hành pháp luật cơ quan, tổ chức, cá nhân.

-Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.

Đọc thêm