Triển lãm Saigon Tex 2016 : Cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may

(PLO) -Ngày 30/3, tại Trung tâm hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra khai mạc Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị, nguyên phụ liệu lần thứ 26 (Saigon Tex 2016). 
Triển lãm Saigon Tex 2016 : Cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may

Triển lãm năm nay thu hút 1.065 Công ty đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ( gồm Trung Quốc, Canada, Bỉ, Pháp, Đức, Hồng Kông, Indonesia, Italy, Nhật, Malaysia, Hà Lan, Pakistan, Philipines, Singapore, Thụy Sỹ, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ...) Được tổ chức hàng năm, Saigon Tex nhằm giới thiệu các loại thiết bị sợi, dệt, nhuộm; dây chuyền may thêu tự động, máy đo và cắt vải tự động; phần mềm thiết kế, nguyên phụ liệu, vải, sợi... của các công ty hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực thiết bị và nguyên phụ liệu dệt may.

Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam, Sài Gòn Tex 2016 là triển lãm có qui mô lớn, đánh dấu sự quan tâm ngày càng cao của nhiều doanh nghiệp tới sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam. Triễn lãm sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận với thị trường và các  công nghệ sản xuất mới nhất để định hướng đầu tư thêm công nghệ mới nhằm tăng dần tỷ lệ nội địa hoá và có thêm nguồn nguyên phụ liệu, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu và mục tiêu phát triển của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao sự có mặt của các Công ty tại triển lãm, bởi đây sẽ là cầu nối cho các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, hợp tác đầu tư và tìm kiếm nhà cung cấp mới để đón đầu những cơ hội thuận lợi cho ngành dệt may Việt Nam. Với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam tăng trưởng tốt trong các năm qua, đặc biệt, năm 2015 tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may như: xơ, sợi, hàng dệt may, vải mành và vải kỹ thuật khác đạt 27,2 tỷ USD tăng 10% so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Nhập khẩu dệt may năm 2015 là 16,6 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó nhập khẩu bông là 1,6 tỷ USD, xơ sợi các loại là 1,5 tỷ USD, vải 10,2 tỷ USD, nguyên phụ liệu dệt may là 3,2 tỷ USD… thì tỷ lệ giá trị gia tăng của năm là 51,1%.  Trong 3 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu dệt may cả nước đạt 6,1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu xơ sợi đạt 578 triệu USD, hàng dệt may 5,1 tỷ USD, vải mành và vải kỹ thuật 114 triệu USD, nguyên phụ liệu dệt may khoảng 292 triệu USD.

Thành công này bắt nguồn từ chủ trương mở cửa nền kinh tế, ban hành kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong những năm qua. Bên cạnh đó còn do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu hướng về Việt Nam và sự năng động của các doanh nghiệp, tích cực đổi mới công nghệ, tăng năng suất và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, trong thời gian tới ngành dệt may tiếp tục được đánh giá có nhiều cơ hội phát triển bởi Việt Nam đang tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định tự do Việt Nam – Hàn Quốc… Để đón đầu cơ hội này, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý chất lượng, quản lý lao động, quản lý môi trường, hoàn thiện chuỗi cung ứng dệt may theo tiêu chuẩn quốc tế…

Cùng với thời gian diễn ra triển lãm ( 30/3 – 02/04) sẽ có nhiều hội thảo, tọa đàm với các chủ đề như: “Các biện pháp Phòng vệ thương mại đối với lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam”, “Tận dụng một số ưu đãi về quy tắc xuất xứ và thuế quan trong TPP và các Hiệp định FTA đối với ngành dệt may”, “Phát triển nguồn nhân lực ngành dệt may khi TPP có hiệu lực”…/.

Đọc thêm