Triển vọng nền kinh tế phục hồi nhanh, bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với những bài học kinh nghiệm rút ra trong giai đoạn 2020-2021, cộng với những động lực mới, nhiều ý kiến tin tưởng rằng năm 2022, nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm quay lại quỹ đạo phát triển nhanh và bền vững.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiệu quả từ “thích ứng an toàn, linh hoạt”

Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh nhưng theo đánh giá của Tổng cục Thống kê cũng như nhiều chuyên gia kinh tế, thì đây vẫn là một thành công lớn của nước ta trong việc thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày11/10/2021 về việc ban hành Quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã có tác dụng to lớn trong việc xoay chuyển tình hình.

“Nhờ việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, qua rà soát về số liệu GDP theo quý của năm 2021, có thể thấy rằng diễn biến từ quý II, III và IV, mô hình phục hồi đúng là hình chữ V. Chúng ta có thể thấy được mức giảm của quý III rất sâu, hơn -6% nhưng đến quý IV đã phục hồi trở lại hơn 5,22%. Mô hình phục hồi này cũng cho thấy sức bật của nền kinh tế nước ta rất khả quan, chỉ cần có điều kiện cụ thể để các hoạt động kinh tế quay trở lại là lập tức sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương phân tích.

Cũng theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, rà soát qua mấy động lực tăng trưởng kinh tế cho thấy: Thứ nhất, trong lĩnh vực nông nghiệp, trong năm 2020 và năm 2021, ngành nông nghiệp luôn là trụ đỡ. Thực tế trong cả quá trình chịu tác động của đại dịch COVID-19, lĩnh vực nông nghiệp luôn cố gắng duy trì ở mức hợp lý, tạo sự chống đỡ khá ổn định cho nền kinh tế.

Thứ hai, trong lĩnh vực công nghiệp, đây là lĩnh vực chủ chốt, động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế. Trong đợt dịch đầu năm, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến trung tâm công nghiệp phía bắc như tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Tuy nhiên đến đợt dịch thứ 4, khu vực trọng tâm nhất về công nghiệp đã bị COVID-19 xâm nhập, chủng Delta tàn phá ghê gớm khiến động lực tăng trưởng công nghiệp quý III giảm rất sâu.

Thứ ba là dịch vụ, đây là lĩnh vực gặp khó khăn, lĩnh vực chịu tác động lâu nhất và sâu nhất tới sự phát triển và tăng trưởng. Qua rà soát thấy rằng, cuối năm 2020 cũng như các tháng đầu năm 2021, tăng trưởng dịch vụ luôn luôn ở mức thấp, có quý âm. Lý do rất nhiều ngành dịch vụ không triển khai được do ảnh hưởng của COVID-19. Nhưng sau khi áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP, tăng trưởng của khu vực du dịch đã có sự khởi sắc và tăng trưởng khu vực này trong quý IV đã đạt 5,4%.

“Qua đó cho thấy ý nghĩa rất quan trọng và tích cực của Nghị quyết 128/NQ-CP tác động đến phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Cụ thể, trong cái mũ chung là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 hay nói cách khác, khi chúng ta có một mô hình kiểm soát dịch bệnh tốt và hiệu quả thì tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội và sinh hoạt của người dân đều tức khắc có điều kiện để phục hồi, thậm chí phục hồi một cách mạnh mẽ”- Thứ trưởng Phương phân tích.

Không lỡ nhịp

Chia sẻ về nhận định năm 2022, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ có một sự lạc quan thận trọng. Thứ trưởng Ngoại giao cho rằng, thế giới và khu vực đang tồn tại ba xu hướng không đảo ngược và đang tiến triển.

Thứ nhất là phục hồi kinh tế và nhất là trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các đối tác chiến lược toàn diện, các đối tác Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) đều đang trong quá trình phục hồi ở mức độ khác nhau;

Thứ hai là xu hướng sống chung với đại dịch COVID-19, cả với chủng mới Omicron rất phức tạp. Hiện đã, đang có sự quyết tâm và không nao núng của rất nhiều nước trong việc sống chung với đại dịch Covid này để bắt vào một giai đoạn bình thường mới trở lại;

Thứ ba, với tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và đại dịch COVID-19, các xu hướng được nói đến lâu nay đang định hình dần, như xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… mà Việt Nam cũng đã tham gia rất tích cực trong các diễn đàn đa phương và đang trong qua trình nội luật hóa nhiều nội dung.

“Với ba xu hướng đang diễn ra như vậy, chúng ta không bị lỡ nhịp, thậm chí chúng ta đang bắt nhịp rất chính xác ba xu hướng này. Và chúng tôi hy vọng một cách thận trọng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn của các bộ ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp, chúng ta sẽ đồng lòng, tận dụng tốt những cơ hội đang mở ra từ ba xu hướng đó để góp phần giúp đất nước phục hồi nhanh, phát triển kinh tế xã hội ổn định, bền vững và tiếp tục thành công trong quá trình chống lại đại dịch COVID-19” - Thứ trưởng Vũ bày tỏ.

Còn theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, trải qua năm 2020- 2021, chúng ta đã đúc rút được rất nhiều bài học kinh nghiệm, chúng ta sẽ có động lực mới, sức sống mới cho sự phát triển. Chúng ta có sự đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, luôn luôn sẵn sàng vào cuộc trước những khó khăn. Chúng ta có tinh thần dân tộc rất cao trong bối cảnh COVID-19 vừa qua. “Những khó khăn lớn như vậy chúng ta đã vượt qua được, không có lẽ gì những khó khăn trước mắt chúng ta không thể vượt qua?”- ông Phương tin tưởng.

Theo Thứ trưởng, chúng ta vẫn giữ được những nền tảng cơ bản, nền tảng tốt để phục hồi kinh tế nhanh, phát triển bền vững trong bối cảnh ổn định kinh tế-xã hội, khống chế được lạm phát. Năng lực nội tại của nền kinh tế chúng ta vẫn còn duy trì được để quay lại quỹ đạo phát triển nhanh và bền vững trong năm 2022.

Một số chỉ tiêu năm 2022

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP): Khoảng 6-6,5%.

Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP: Khoảng 25,5-25,8%

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân: Khoảng 4%

Tốc độ tăng năng suất lao động xã hộ: Khoảng 5,5%.

Đọc thêm