Trịnh Công Sơn - Khánh Ly: Sinh ra là để cho nhau?

(PLO) - Trong một đêm mưa năm 1965 tại miền đất lạnh Đà Lạt, có một tiếng hát truyền kỳ và ảo mộng đã cất lên, tiếng hát của sơn ca Khánh Ly từ cõi bồng lai mang theo cung điệu thiên thần đã chạm vào trái tim của người nghệ sĩ tài hoa họ Trịnh...
Trịnh Công Sơn - Khánh Ly: Sinh ra là để cho nhau?

“Nỗi đau còn đó, đền bù được không?”

 Cũng chính từ  cuộc gặp gỡ như là được sắp xếp từ muôn vàn kiếp trước đã gắn kết hai trái tim, hai tâm hồn người nghệ sĩ đa cảm, tài hoa. Rồi từ đó trong đời sống văn nghệ Việt Nam họ trở thành huyền thoại. Khánh Ly đến với âm nhạc của Trịnh Công Sơn tự nhiên, dường như họ nợ nhau, vay nhau và trả nhau bằng cuộc kết hôn đẹp nhất tưởng chừng như mong manh, xa cách nhưng lại gần gũi, thủy chung nhất trong khu vườn âm nhạc. Khánh Ly đã chuyên chở những tác phẩm nhạc Trịnh quyện vào đất trời bay đến khắp muôn nơi, khơi gợi những mạch cảm xúc tuôn chảy suốt bao tháng năm qua.

Đối với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly là người bạn của định mệnh, vĩnh viễn thương yêu nhau. Bởi thế, ông đã viết những câu thơ như cắt cứa từ tâm can, dành cho cô ấy: “Mai đi để lại nơi này, những khuôn mặt cũ của ngày đã xa. Bờ kia, bến nọ mịt mùng. Nỗi đau còn đó, đền bù được không?”. Trong muôn trùng gian nan, xa cách, Trịnh Công Sơn vẫn động viên, an ủi Khánh Ly một cách chân tình nhất. Bởi hơn ai hết, ông hiểu nỗi đau của nhân thế, của thời cuộc và ông  mong muốn Lệ Mai của ông - người bạn của định mệnh vĩnh viễn yêu thương ấy không bao giờ tuyệt vọng: “Đừng tuyệt vọng/ Tôi ơi! Đừng tuyệt vọng/ Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông/Đừng tuyệt vọng, em ơi!/Đừng tuyệt vọng/ Em là tôi và tôi cũng là em!”.

Trong bức thư viết cho Khánh Ly vào mùa hè năm 1978 Trịnh Công Sơn đã viết: “Cố gắng sống tốt và giữ gìn một tâm hồn trong sáng và đẹp đẽ. Chỉ có cái ấy mới giữ mình sống lâu trong lòng mọi người, mọi thứ khác đều là phù phiếm và chẳng có giá trị gì. Anh đang ở Huế một mình, đang xin gần về gia đình có lẽ cũng được.

Dạo này anh đã giỏi lắm, thí dụ đi chợ nấu ăn một mình, cấy và gặt lúa, trồng khoai sắn rất đảm bảo. Nếu có Mai ở đây, anh sẽ kéo Mai đi gặt lúa cùng anh thì vui lắm, đời sống bỗng giản dị hơn và dạy cho ta nhiều điều mới lạ. Mai phải nhớ rằng ở đây ai cũng yêu thương Mai và tình cảm đó là tình cảm chân thật nhất. Đừng ngu dại gì đánh đổi cái tình cảm ấy với bất cứ điều gì.

Mỗi con người đều có xứ sở của nó và chỉ có tình cảm thiết tha từ xứ sở của mình mới an ủi mình nổi. Mai còn nhớ căn phòng ở Nguyễn Trường Tộ này không? Đêm đã khuya và xung quanh vắng lặng, anh đang uống rượu đế một mình. Mùa hè nóng chưa qua. Anh rất nhớ Mai như một kỷ niệm đậm đà trong đời sống. Mỗi người chỉ sống một thời gian nào đó với dăm, ba kỷ niệm và lắm kẻ bất hạnh đến độ không có nổi một kỷ niệm nào dù nhỏ trong suốt cuộc đời.

Đã có lần anh có Mai và ngược lại Mai đã có anh! Như thế cố gắng giữ gìn cho tình cảm ấy mãi mãi đẹp đẽ. Anh chúc Mai hạnh phúc và nếu đời sống còn có những cơ duyên biết đâu chúng ta không gặp lại nhau. Làm sao người  ta có thể hiểu được vì đâu, con chim hót trên những cành lau, nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối ấy lại có thể nặng lòng với quê hương, gia đình và bằng hữu đến như vậy!”.

Đó chính là điều Khánh Ly muốn tìm ở Trịnh Công Sơn. Khánh Ly đã từng khẳng định: “Từ Trịnh Công Sơn mà Khánh Ly thành danh và quan trọng hơn cả là Khánh Ly được thành nhân”. Nhưng cũng chính nhờ sự thủy chung của  tiếng hát Khánh Ly với dòng nhạc  Trịnh nên giờ đây dòng nhạc ấy trở thành bất tử. Trịnh Công Sơn là một nửa đời sống của Khánh Ly. Ông để lại cho thế hệ sau một bài học yêu thương. Hãy tìm nhau, lại gần với nhau, học lại từ đầu bài học yêu thương. Những bông hoa đẹp đẽ, những cây lành trái ngọt không thể nảy sinh từ lòng căm hờn.

Sinh ra là để cho nhau

Những ca khúc của Trịnh Công Sơn là tấm gương soi cho Khánh Ly nhìn lại rõ được mình, tìm lại được chính mình từ những mất mát, đau thương. Khánh Ly đã được an ủi, chia sẻ nâng đỡ ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất trong đời sống.

Những diễn biến thăng trầm của thời cuộc, sự cách xa về mặt địa lý khiến Khánh Ly và Trịnh Công Sơn  ít gặp nhau nhưng âm nhạc là nhịp cầu nối diệu kỳ giữa hai con tim, hai tâm hồn khiến cho họ chưa khi nào cảm thấy thiếu vắng, không bao giờ xa cách nhau. Mỗi lần có dịp tới Sài Gòn, Khánh Ly vẫn luôn dành thời gian tới thăm Trịnh Công Sơn, chỉ là để hỏi thăm nhau vài câu ngắn ngủi nhưng thật ấm áp, ân tình. Những lần ra Hà Nội, bà cũng luôn dành thời gian đi trên con phố mang tên tri kỷ  của đời mình.

Nếu Hà Nội là máu thịt, là tuổi ấu thơ bất tận thì Sài Gòn là thanh xuân và  tình yêu vĩnh cửu. “Sài Gòn là vùng đất ân tình và bao dung. Vì cách đây nửa thế kỷ, Sài Gòn đón nhận và cho tôi một cái tên với đời, với người. Lần này trở lại, Sài Gòn đã khác xưa nhiều lắm, chỉ còn sót lại tượng Đức Mẹ - nhà thờ Đức Bà và mộ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn là nơi tôi tìm thấy được kỷ niệm và sự bình an”.

Hôm nay đây, một ngày nắng thu chan hòa người đàn bà hát đứng trước vương cung thánh đường để nhắc tới Sài Gòn và nhắc tới  tri kỷ của đời mình: “Một người tầm thường không thể làm những điều tốt đẹp. Và một người vĩ đại không hề làm những điều tầm thường”. Khánh Ly đã viết về Trịnh Công Sơn như vậy bằng tất cả tấm lòng biết ơn và sự kính trọng.

Chỉ có thể là Khánh Ly mới viết về Trịnh Công Sơn chân thành, giản dị mà sâu sắc như thế! Bởi đơn giản họ sinh ra là để vĩnh viễn yêu thương nhau, vĩnh viễn thuộc về nhau!