Trình Quốc hội xem xét cho phép TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù

(PLVN) - Tại phiên họp sáng nay, 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đến hết 31/12/2023, đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.

Tại phiên họp, UBTVQH cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho TP Hồ Chí Minh (Nghị quyết 54); báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội (Nghị quyết 115).

Những kết quả nổi bật

Đánh giá chung về kết quả thực hiện Nghị quyết 54, Chính phủ cho biết, có thể nói, trong bối cảnh việc tuân thủ thể chế chung áp dụng cho các địa phương đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, không phù hợp với yêu cầu phát triển của TP.

Trên cơ sở Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2020”, đề nghị của TP, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 có thể coi là quyết sách quốc gia kịp thời, tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn cho TP.

Theo đánh giá của TP Hồ Chí Minh, với việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết 54, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định. Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép TP chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.

Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của TP.

Việc thực hiện đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn TP phát huy được vai trò trách nhiệm của người đứng đầu…

Sau khi cơ chế đặc thù cho TP được quyết định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14, một số nội dung đã được đưa vào quy định tại Luật và áp dụng cho cả nước như quy định HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách TP theo quy định của Luật Đầu tư công, quy định về cơ chế ủy quyền, quy định về điều chỉnh tên gọi của các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, quy định về phân cấp nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp,…

Về việc thực hiện Nghị quyết 115, trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của QH Vũ Thị Lưu Mai cho biết, với vai trò là thủ đô của cả nước, bằng sự cố gắng của cả hệ thống chính trị và người dân, qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 115, TP Hà Nội đã đạt được một số kết quả như hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách phù hợp với yêu cầu phát triển, trình độ, yêu cầu quản lý.

Huy động tối đa nguồn lực tạo đột phá về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Tăng cường quan hệ hợp tác giữa TP với các tỉnh, thành trong cả nước, lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”. Chia sẻ khó khăn và tăng cường gắn kết về nguồn lực, hợp tác giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.

Quyết sách đúng đắn của Quốc hội

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá cao, ghi nhận các địa phương chủ động có tổng kết, sơ kết việc thực hiện các nghị quyết của QH.

Cơ bản tán thành với báo cáo thẩm tra, Chủ tịch QH khẳng định 2 nghị quyết là cần thiết, quá trình thực hiện đã chứng minh tính đúng đắn của việc này. Các cơ chế chính sách đã hỗ trợ thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội của 2 trung tâm lớn của đất nước.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong quá trình thí điểm, một số cơ chế chính sách đã được nghiên cứu để phổ cập hơn trước khi được tiến hành chính sách đại trà, ví dụ việc các địa phương có điều kiện về ngân sách, có năng lực tự túc được nguồn có thể cho phép tăng mức tiền lương lên cao hơn mức bình quân chung của cả nước, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, động viên cán bộ, công nhân, viên chức.

Hay như TP Hà Nội có chính sách sử dụng ngân sách của các quận, huyện có điều kiện hơn để hỗ trợ một số huyện khó khăn hơn, nhất là trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ an sinh xã hội.

“Báo cáo thẩm tra cho thấy chính sách này hiệu quả, chính sách này đã được tiếp tục cho thí điểm đối với tỉnh Khánh Hòa. Việc thí điểm nếu thấy tốt sẽ được phổ cập. Đây là hướng đi đúng đắn. Những chính sách này có tác dụng thực sự, rất cần cho các địa phương trong giai đoạn này”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch QH cũng chỉ ra rằng, bên cạnh một số chính sách đi vào cuộc sống khá nhanh, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc thực hiện một số chính sách khác. Các chính sách triển khai chưa thực sự đồng đều, có chính sách hiệu quả chưa cao, tác động còn hạn chế.

Chủ tịch QH chỉ rõ, hạn chế trong thực hiện một số chính sách là tình hình chung không chỉ ở Hà Nội, TP Chí Minh mà cả ở các địa phương khác.

“Có những chính sách rất thuận, đúng, trúng, đi vào cuộc sống rất nhanh như tăng chi tiền lương, thu nhập cho cán bộ, công nhân viên chức. Còn những cơ chế, chính sách để động viên, khai thác, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung còn rất hạn chế, như chính sách được hưởng số thu của việc sắp xếp các cơ sở nhà đất của Trung ương, cổ phần hóa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”, Chủ tịch QH dẫn chứng và cho rằng việc này do các nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau.

Qua xem xét báo cáo, Chủ tịch QH bày tỏ đồng tình với việc trình QH cho phép kéo dài thực hiện Nghị quyết, ít nhất khoảng một năm. Trong thời gian đó, các cơ quan có quỹ thời gian và điều kiện để nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thấu đáo hơn để đề xuất một số chính sách có thể thể chế hóa bằng luật pháp chung, một số chính sách mới phải thí điểm thêm.

Tương tự, TP Hà Nội cũng nghiên cứu kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh để tổng kết, đánh giá sớm hơn.

Đọc thêm