'Trò chơi bẩn' của SOG vẫn áp dụng ở một số nước

(PLO) -Trong kế hoạch OP39, SOG sử dụng một thủ đoạn hết sức tinh vi mà cho đến ngày nay nó vẫn được áp dụng trong lật đổ chính quyền một số nước như ở Iraq, Syria, Afghanistan... trong những năm vừa qua. 
AK 47 được làm giả và được SOG rải các nơi trên chiến trường đã gây tác hại không nhỏ với bộ đội miền Bắc.
AK 47 được làm giả và được SOG rải các nơi trên chiến trường đã gây tác hại không nhỏ với bộ đội miền Bắc.

Nếu như các hoạt động chiến tranh tâm lý bằng thông tin “đen”, thông tin “xám” hướng vào phá vỡ sự đoàn kết, gây nghi kỵ nội bộ ở các tầng lớp xã hội, chính quyền miền Bắc Việt Nam thì những hoạt động tâm lý chiến được liệt kê chi tiết trong hồ sơ đã được giải mã ở kế hoạch OP39 đã chứng hành động ma mãnh, bẩn thỉu, quyết đạt mục đích bằng mọi giá của SOG và CIA. 

Kích động lật đổ qua thư

SOG gửi thư từ nước ngoài về miền Bắc Việt Nam cho các nhân vật thường là cán bộ chính quyền hoặc trong lực lượng vũ trang và cả người dân với nội dung úp mở liên quan đến hoạt động lật đổ chính quyền, nhưng lại không để cho họ đọc.

SOG biết rằng, những lá thư này sẽ bị kiểm soát; khi đọc, các chuyên gia phản gián miền Bắc sẽ bị dẫn đến việc cố phát hiện sự liên hệ giữa người nhận và toán biệt kích của SOG, hoặc SSPL, hoặc hoạt động tình báo nước ngoài chống lại miền Bắc, ở trong nước hoặc ở nước ngoài.

SOG còn chuyển thông điệp tuyên truyền từ người Việt Nam sống ở nước ngoài tới người sống ở miền Bắc. Những lá thư này bao gồm "từ những thư tình cảm nhẹ nhàng từ các địa chỉ giả gửi cho công dân bình thường ở miền Bắc" cho đến "thư cứng rắn về vấn đề chính trị gửi tới cán bộ và trí thức miền Bắc".

Ngoài ra, còn có thư giả danh số tù binh người Bắc đang bị giam giữ gửi cho gia đình, có thể chuyển tải một hoặc nhiều thông điệp. Ví dụ, tù binh có thể chỉ trích việc Hà Nội sẵn lòng hi sinh bộ đội và ghi nhận rằng mình được đối xử tốt trong trại. Dĩ nhiên, chẳng có gì là đúng sự thật và bản thân tù binh cũng không hề biết về những lá thư đó. 

Một dạng khác của chương trình thư tù binh chiến tranh người miền Bắc là đề án mang mật danh "Soap-chips". Những lá thư này giả danh thư từ hậu phương gửi đến bộ đội miền Bắc đang chiến đấu ở miền Nam. Các toán thám báo của SOG sẽ đặt những lá thư này vào xác của bộ đội đã hi sinh mà họ gặp khi hoạt động ở Lào và Campuchia.

Thư mô tả tình hình ở hậu phương là rất tồi tệ. Ý tưởng ở đây là khi có người đến di chuyển thi thể, họ sẽ đọc thư. Thư còn có thể chơi “con bài Trung Quốc”, cáo buộc các sĩ quan Trung Quốc làm nhục phụ nữ Việt Nam mà chẳng có ai làm gì họ cả. SOG còn gửi những giấy báo tử giả cho gia đình có bộ đội chiến đấu ở miền Nam.

Theo Bob Andrews, công tác tại bộ phận chiến tranh tâm lý của SOG năm 1968, có rất nhiều chương trình “thư đen” khác nhau và có nhiều cách để đưa thư ra Hà Nội:

"Lúc bấy giờ có rất nhiều kho chứa thư quốc tế,  một trong số đó là ở Băng Kok. Chúng tôi gửi hàng túi thư kiểu này tới Băng Kok và Trung tâm CIA ở đây có một cơ sở người Thái ở ngành bưu chính và anh ta sẽ ném túi thư đó vào số thư từ đi Việt Nam". Lúc cao điểm, hàng năm có 7.000 bức thư đen được chuyển qua Băng Kok và các thành phố khác đến miền Bắc.

Những trang sách tiết lộ về đề án Eldest Son trong chiến tranh Việt Nam của SOG
Những trang sách tiết lộ về đề án Eldest Son trong chiến tranh Việt Nam của SOG

Đề án Eldest Son

SOG thực hiện hàng loạt hoạt động chiến tranh tâm lý có quy mô nhỏ hơn và mang tính chiến thuật. Nhiều hoạt động trong số này thuộc loại thủ đoạn "bẩn thỉu" và thường có sự giúp đỡ của Văn phòng hậu cần Viễn Đông của CIA. Hai cơ quan này cho phép SOG có sự tiếp cận độc nhất vô nhị với hàng loạt thiết bị đặc chủng như vũ khí đã bị han gỉ của đối phương, các loại bẫy, thiết bị nghe trộm điện thoại đặc biệt và chất làm nhiễm bẩn gạo. 

Ý tưởng cài bẫy vào vũ khí của đối phương có mật danh là Eldest Son, do Singlaub, vị chỉ huy thứ ba của SOG năm 1967 nghĩ ra. Singlaub nhớ lại là sau khi được Westmoreland và CIA phê chuẩn, họ sẽ chuyển số vũ khí thu được của bộ đội miền Bắc về Okinawa để “sửa chữa”. Các vũ khí bị sửa đổi bao gồm đạn AK47 và cối 82 mà CIA có được qua một nước thứ ba.

Các chuyên gia của CIA tháo rời đạn ra, gài bẫy vào trong, sau đó lắp lại như cũ, cho vào băng hoặc thùng đạn để không ai biết chúng đã bị sửa đổi. Những viên đạn này sẽ nổ tại chỗ khi được sử dụng và có thể gây ra chết người. Các nhóm thám báo của SOG sẽ đưa loại vũ khí vào Lào và Campuchia, đặt bên cạnh thi thể của bộ đội miền Bắc hoặc rải xung quanh nếu các toán thám báo gặp đối phương.

Họ cho rằng, quân đội miền Bắc thường chịu khó thu nhặt vũ khí, đạn dược và các thiết bị quân sự khác để lại sau trận đánh. SOG còn tạo ra kho đạn giả của đối phương ở những nơi có hệ thống kho tồn tại, sau đó nghe trộm đường dây liên lạc của bộ đội miền Bắc và biết được, số đạn bị cài bẫy này gây hoang mang trong bộ đội. 

Tuy nhiên, những loại vũ khí này đôi lúc lại giết chết chính lính Mỹ. Bob Adrews kể: "Vào khoảng mùa thu 1968, chúng tôi đang tìm cách để đối phương quan tâm hơn đến đề án Eldest Son và chuyển cho họ thông điệp là số đạn AK47 hỏng này là do người Trung Quốc gây ra. Chúng tôi muốn làm lớn chuyện này…

Tuy nhiên, một sĩ quan hải quân đã nhặt khẩu AK47 và cầm đúng băng đạn đã cài bẫy; khi bắn, do đạn nổ về hướng mặt nên anh ta bị mù. Từ đây SOG đưa lên đài phát thanh hoặc đưa tin trên báo chí của quân đội Mỹ, nhắc nhở nhân viên Hoa Kỳ không được sử dụng vũ khí của đối phương. 

Nguy hiểm hơn, để kích động sự thù hằn đối với Trung Quốc, Andrews "đến Trung tâm khai thác vật liệu hỗn hợp" của MACV và thoả thuận với giám đốc trung tâm tạo ra một bản phân tích giả về khẩu súng mà người sĩ quan nọ đã sử dụng.

Bản phân tích cho biết, vũ khí đó không đạt tiêu chuẩn và có vẻ như bị cố ý làm như vậy, và toàn bộ lô AK47 có khả năng bị kém chất lượng. Tay giám đốc còn đóng dấu "mật" vào bản báo cáo và "vô tình" để quên tại một quán bar, ngay sau đó tài liệu bị biến mất". 

Tài liệu giả cũng được sử dụng để nói xấu người Trung Quốc và làm cho bộ đội Bắc Việt Nam ngại không muốn sử dụng vũ khí của họ. Thủ đoạn này được thực hiện dưới dạng một thông báo của Tổng hành dinh quân đội Bắc Việt Nam gửi các tư lệnh ở miền Nam xác nhận vấn đề và giải thích là “các đồng chí Trung Quốc” đang áp dụng mọi biện pháp để xử lý khó khăn trong chế tạo vũ khí và chấn chỉnh dư luận cho rằng Trung Quốc cố ý gài bẫy vũ khí, đạn dược.

SOG có một số lượng lớn các bẫy nổ ngụy trang rải dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh để bộ đội Bắc Việt Nam thu nhặt. Phần lớn số bẫy này lại là loại vật dụng dùng trong quân đội đang khan hiếm, thường là pin và đài thu thanh. 

William Rydell, một nhân viên CIA chuyên về chiến tranh tâm lý và chỉ huy OP39 năm 1970, kể lại thủ đoạn sử dụng thiếp chúc tết để đạt mục đích trên: “Hàng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gửi thư chúc tết cho bộ đội ở miền Nam. Hồ Chủ tịch đã mất năm 1969 và dĩ nhiên là không thể gửi thư chúc tết cho bộ đội được nữa.

Những trang sách tiết lộ về đề án Eldest Son trong chiến tranh Việt Nam của SOG
Những trang sách tiết lộ về đề án Eldest Son trong chiến tranh Việt Nam của SOG

Vì vậy chúng tôi chọn ra một người lãnh đạo thân Trung Quốc nhất để làm giả thư chúc tết của người đó gửi bộ đội ở miền Nam (năm 1971).” Rydell chọn Trường Chinh, một lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam. Rydell giải thích, "những người Việt Nam cùng làm việc với tôi cho đây là ý tưởng tuyệt vời (thiếp chúc tết) rất hiệu quả". Và Hà Nội đã "tổ chức họp báo tại Lào và ở Paris lên án hoạt động bí mật này". SOG phân phát hơn 22.000 thiếp ở Lào, Campuchia và miền Nam. 

Cuối cùng, có một đề án nhỏ về làm tiền giả; tuy nhiên Washington rất e ngại dự án này đi quá xa. Theo Bob Andrews, "tôi biết việc làm tiền giả được thảo luận, nhưng cấp trên bảo chúng tôi : "Không được làm như vậy. Đó là điều không thể được về mặt chính trị”...

Đọc thêm