Đa phần đối tượng thực hiện “trò chơi” này là biệt kích quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Khởi đầu “trò chơi” thông tin
Ngay từ cuối năm 1962, khi còn phụ trách CIA ở Nam Việt Nam, Bill Colby đã khởi xướng một chương trình tâm lý chiến chống Hà Nội có quy mô nhỏ, dựng lên các thông tin giả rồi tuyên truyền tới đối tượng thông qua đài phát thanh, tờ bướm, các tài liệu ở dạng in ấn và các kỹ thuật tâm lý khác nhằm tác động vào tình cảm, thái độ, động cơ, hành vi của lãnh đạo và dân chúng Hà Nội để thay đổi lý trí, quan điểm và tư tưởng.
Ông ta chọn Weisshart làm Phó trưởng Trung tâm CIA ở Sài Gòn phụ trách bộ phận hoạt động chống miền Bắc năm 1963.
Weisshart triển khai chiến tranh tâm lý bằng tăng cường chương trình phát thanh từ các đài phát bí mật, tăng số truyền đơn và hàng tâm lý chiến qua đường không, đường biển và tạo ra một tổ chức chống đối giả được gọi là “Gươm thiêng ái quốc” (SSPL).
Đến khi CIA hết vai trò, bàn giao cho SOG vào năm 1964 thì chương trình chiến tranh tâm lý được mở rộng, nhưng tháng 1/1964, Trung tâm chiến tranh đặc biệt ở Fort Bragg cử sang Nam Việt Nam một bộ phận chuyên về hoạt động chiến tranh tâm lý - lúc đầu do Trung tá Martin Marden chỉ huy, sau được thay bởi Trung tá Robert Bartelt rồi đến Trung tá Thomas Bowen và người chỉ huy cuối cùng là Trung tá Louis Bush.
Ngoài lực lượng này còn có một số lượng lớn người Việt Nam làm việc cho bộ phận chiến tranh tâm lý của SOG, trong đó có nhiều người từ miền Bắc di cư năm 1954. Họ cung cấp sự hiểu biết về miền Bắc, nắm được các khía cạnh chính trị, xã hội, văn hoá, cấu trúc, và lịch sử; dịch các tài liệu tuyên truyền; làm phát thanh viên và cung cấp nhân sự cho hoạt động của phong trào “Gươm thiêng ái quốc”.
Trong kế hoạch OP39, tổ chức chiến tranh tâm lý có 4 bộ phận: Nghiên cứu và phân tích; tài liệu in ấn, giấy tờ và thư từ giả; đài phát thanh; và dự án đặc biệt. Các tổ công tác có tính khép kín cao. Vì vậy, mà các sĩ quan trong một tổ công tác thường không biết những gì xảy ra trong tổ khác.
Chủ đề chiến tranh tâm lý mà OP39 triển khai thường đan xen với tài liệu miền Bắc giả mạo. CIA thu thập tài liệu mẫu bắt giữ hoặc thu được qua nhiều nguồn khác nhau sau đó làm giả tất cả những gì mà miền Bắc có.
Khi tài liệu đã làm xong, chúng được đưa vào lãnh thổ đối phương bằng nhiều cách, trong đó có hoạt động của SOG tại Lào hoặc do thám báo thực hiện rải tài liệu này ở nơi đối phương đóng quân, các cơ sở của quân đội miền Bắc dọc theo con đường mòn Hồ Chí Minh.
Thường tài liệu có hai dạng, loại thứ nhất mang nội dung tuyên truyền do người Việt Nam sống ở nước ngoài gửi tới nhân dân miền Bắc với nội dung cơ bản là bôi nhọ lãnh đạo Hà Nội; loại thứ hai được gửi cho cán bộ miền Bắc nhằm tạo ra sự nghi ngờ về lòng trung thành trong suy nghĩ của cơ quan an ninh, người giám sát.
Tổ thứ ba của OP39 điều hành ba đài phát thanh bí mật, phát đi tin tức, thường là giả tạo, vào miền Bắc. Đài tiếng nói “Gươm thiêng ái quốc” phát đi từ khu "giải phóng” giả tạo ở miền Bắc. Rồi đài “Cờ đỏ”, lấy danh nghĩa tiếng nói của số cộng sản bất mãn bí mật ở miền Bắc và “đài Hà Nội” giả mạo phát kề và nhại theo chương trình của Đài phát thanh Hà Nội.
Tất cả các đài này đều do các nhân viên CIA thuộc bộ phận tâm lý chiến chỉ đạo, nhân viên của Cơ quan thông tin Hoa Kỳ cung cấp định hướng chính sách và chủ đề tuyên truyền.
Ngoài ra, tổ này còn đặt sản xuất các đài bán dẫn có sóng cố định tại Nhật Bản, chỉ thu được các đài tâm lý chiến của SOG. Trong khi nhân viên CIA chỉ đạo hoạt động của đài phát thanh, số người Việt Nam thuộc SOG là phát thanh viên trực tiếp và tạo ra bối cảnh văn hóa cho chương trình.
Tổ cuối cùng của bộ phận chiến tranh tâm lý tham gia vào "các dự án đặc biệt" mà dự án lớn nhất là dựng lên phong trào chống đối giả có tên “Gươm thiêng ái quốc” - SSPL. Trong hoạt động phức tạp này, người miền Bắc bị bắt cóc và nhồi sọ tâm lý ở “đảo Thiên Đường”, một địa chỉ giả danh là một làng ven biển miền Bắc đã được SSPL giải phóng, sau đó đưa trở lại miền Bắc để lan truyền tin về SSPL.
Hình ảnh về “đảo Thiên Đường” – Cù Lao Chàm, trung tâm của các chiến dịch chiến tranh tâm lý “Gươm thiêng ái quốc”. |
Mưu mô tại “đảo Thiên Đường”
Vào năm 1965, SOG mở rộng hoạt động chiến tranh tâm lý, điển hình là nội dung của chương trình “Gươm thiêng ái quốc” mà trọng tâm nằm ở “Đảo Thiên Đường”.
Lý do có việc này là xuất phát từ truyền thuyết Lê Lợi được thần giúp cho gươm để đánh tan giặc Minh nên Weisshart nghĩ ra cách tạo ra phong trào chống đối giả, trung tâm của chiến dịch tâm lý chiến của OP39 có tên gọi "Gươm thiêng ái quốc", viết tắt là SSPL.
Trong tuyên truyền, SSPL tuyên bố, tất cả quân đội, cố vấn và ảnh hưởng của nước ngoài phải bị loại bỏ khỏi cả Bắc và Nam Việt Nam. SSPL phê phán lãnh đạo Đảng Cộng sản ngả theo Trung Quốc, rằng Trung Quốc quá sung sướng khi chiến đấu với Mỹ cho đến người Việt Nam cuối cùng và tuyên bố Hà Nội cần phải thay đổi chính sách.
Tháng 4/1965, đài tiếng nói của “Gươm thiêng ái quốc” ra đời tại “vùng núi tỉnh Hà Tĩnh", căn cứ của Lê Lợi. OP39 bắt đầu sản xuất truyền đơn, tờ rơi để tung vào miền Bắc qua đường không. Để rải số truyền đơn này, SOG thuê nhân viên của nước thứ ba thực hiện các chuyến bay xâm nhập miền Bắc.
Thông qua những phương tiện tuyên truyền trên, SSPL bắt đầu tuyên bố duy trì tổ chức bí mật ở miền Bắc không chỉ với nhiệm vụ phát triển tổ chức, rải truyền đơn mà còn giải phóng lãnh thổ. SSPL nói rằng, hoạt động giải phóng này diễn ra bên dưới vĩ tuyến 19, nơi SSPL duy trì "an toàn khu” và khoe, các chi bộ bí mật đang phát triển nhanh chóng vì thu hút được những người theo chủ nghĩa dân tộc. Năm 1965, SSPL tuyên bố, có 10.000 thành viên, trong đó có "1.600 quân chính quy".
Vào cuối năm 1964, hoạt động SSPL bắt đầu khởi động. Để những câu chuyện giả trở lên đáng tin hơn, SOG đã đưa SSPL ra một vùng giải phóng có tên là “đảo Thiên Đường” mà thực tế là đảo Cù Lao Chàm ở Quảng Nam hiện nay, chính là nơi các công dân miền Bắc bị bắt cóc được đưa đến để "cải huấn". Tại đây, OP39 tạo ra những làng giống hệt như các làng xóm nằm dọc theo bờ biển miền Bắc.
Bắt đầu từ tháng 5/1964, các tàu chiến không có số hiệu nhưng mang cờ SSPL và thuỷ thủ thì xưng là thành viên của tổ chức, đi vào hải phận miền Bắc, bắt cóc ngư dân rồi đưa về “đảo Thiên Đường”. Sau khi bị bắt cóc, ngư dân hoặc những công dân Bắc Việt Nam được thông báo đang ở trong tay tổ chức “Gươm thiêng ái quốc”, một tổ chức yêu nước bí mật và sẽ được đưa đến vùng giải phóng ở ven biển.
Những người bị bắt cóc được bịt mặt và đưa xuống khoang dưới của thuyền để đi đến các làng SSPL của “đảo Thiên Đường”. Khi cập đảo, những người bị bắt được đưa lên boong, trước mắt là một làng giải phóng, và ở trong làng khoảng 3 tuần.
Trong thời gian này, họ chỉ gặp người Việt Nam nói giọng Bắc, cùng nhau ăn uống, nói chuyện về đời sống dưới chế độ Hà Nội và tìm hiểu về SSPL. Một số người còn được đưa vào núi tới những làng nhỏ "giống như các làng ở vùng núi miền Bắc nhằm tạo thêm độ tin cậy đối với lời tuyên truyền một mật khu của SSPL là ở vùng núi cao miền Bắc".
Vào những ngày cuối cùng trước khi rời đảo, họ được thông báo về các chi bộ SSPL đang hoạt động ở nơi cư trú và cách bí mật để liên hệ với các chi bộ này. Dĩ nhiên, điều này là để cho lực lượng an ninh miền Bắc tìm hiểu vì chắc chắn họ sẽ thẩm vấn số người trở về.
Cuối cùng, họ được tặng một món quà để mang về gồm xà phòng, vải vóc và các thứ khác đang khan hiếm ở miền Bắc. Trong bộ quà tặng, còn có đài bán dẫn đã cố định sóng của đài “Gươm thiêng ái quốc” mà họ nghe suốt ngày trong thời gian ở trên “đảo Thiên Đường”. Khi trở về, họ lại bị bịt mắt và đưa trả lại miền Bắc theo đúng như cách được đưa đến đảo.
Kết quả là, tính đến năm 1966, có 353 người Bắc Việt Nam được đưa đến “đảo Thiên Đường” và từ năm 1964-1968, có tất cả 1.003 người được "cải huấn" trên đảo. Tuy nhiên, SOG nhận định, chỉ có thể duy trì sự "giả hiệu” này trong một thời gian nhất định mà thôi…