Ngày 23/6/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 792/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2009 – 2010, định hướng đến năm 2015. Đến nay, đội ngũ người thực hiện TGPL bắt đầu được hình thành nhưng lại tiềm ẩn sự… mất ổn định!
Được đào tạo ngang luật sư
Sau 2 năm triển khai Quyết định của Thủ tướng, đội ngũ người thực hiện TGPL đang được hình thành với 253 Trợ giúp viên pháp lý và gần 8.300 cộng tác viên. Các Trợ giúp viên pháp lý đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư (tiêu chuẩn ngang luật sư) và khóa bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL do Bộ Tư pháp tổ chức và đủ điều kiện để thực hiện TGPL theo hình thức tham gia tố tụng như luật sư. Người thực hiện TGPL đã ngày càng dạn dày hơn trong kinh nghiệm hành nghề, được chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp.
Tuy nhiên, do sự đầu tư nguồn nhân lực cho công tác TGPL chưa tương xứng với nhu cầu nên đội ngũ người thực hiện TGPL còn mỏng, chưa bảo đảm cung ứng cho 100% người có nhu cầu được giúp đỡ pháp lý. Đặc biệt là hiện vẫn chưa tạo được mạng lưới ở các vùng cao, miền núi, vùng nghèo nơi đa số dân cư là người nghèo. Một bộ phận cán bộ, người dân còn chưa biết, chưa được thông tin và chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của TGPL và từ đó, chưa được thụ hưởng chính sách nhân đạo này của Nhà nước.
Thường xuyên bị luân chuyển
Không những thế, đội ngũ người thực hiện TGPL còn biến động thường xuyên. Số lượng Trợ giúp viên pháp lý còn ít, lại phát triển không cân đối giữa các vùng, miền, địa phương. Đội ngũ cộng tác viên TGPL tuy đông đảo nhưng hoạt động chủ yếu ở hình thức tư vấn, hiệu quả chưa cao, thiếu thường xuyên, liên tục.
Điều đáng quan tâm hơn cả là các quy định của pháp luật hiện hành chưa phù hợp về vấn đề ngạch bậc và sử dụng Trợ giúp viên pháp lý. Việc cho phép luân chuyển Trợ giúp viên pháp lý từ Trung tâm TGPL nhà nước sang các đơn vị của Sở Tư pháp và các cơ quan nhà nước khác như công chức hành chính, làm mất tính ổn định và gây ra nhiều lãng phí về nguồn lực dành cho việc đào tạo, bồi dưỡng Trợ giúp viên pháp lý.
Ngoài ra, chế độ đãi ngộ cho Trợ giúp viên pháp lý còn chưa tương xứng so với yêu cầu về trình độ chuyên môn của nhóm viên chức này. Khác với các đơn vị sự nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ công khác như y tế, giáo dục, các Trung tâm TGPL nhà nước là các đơn vị sự nghiệp hoàn toàn không có thu song lại chịu mức khoán tài chính như đơn vị có thu. Vì vậy, nhiều địa phương gặp khó khăn trong thu hút và duy trì nguồn nhân lực có chất lượng cao khi cùng một nghề nhưng luật sư hành nghề tư có mức thu nhập cao hơn nhiều lần. Một minh chứng rõ ràng là trong những năm vừa qua, số vụ việc TGPL theo hình thức tham gia tố tụng do Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên thực hiện chiếm chưa đến 10% tổng số vụ việc TGPL đã giải quyết.
Thục Quyên