Trợ giúp pháp lý vẫn ’vướng’ ở nhận thức

 Hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) ở Nghệ An năm 2010 đã có  nhiều tiến bộ. Nhưng thành quả ấy đã bị hạn chế một phần nào, nhất là khi chính quyền xã chưa thấy được rõ vai trò, ý nghĩa của TGPL tại cơ sở.

Hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) ở Nghệ An năm 2010 đã có  nhiều tiến bộ. Nhưng thành quả ấy đã bị hạn chế một phần nào, nhất là khi chính quyền xã chưa thấy được rõ vai trò, ý nghĩa của TGPL tại cơ sở.

Chú trọng bài toán nhân lực

Giai đoạn 2007 – 2010, thực hiện Luật TGPL và các văn bản quy định về kiện toàn Trung tâm TGPL, Trung tâm đã tuyển dụng thêm 10 biên chế, tăng số lượng viên chức của Trung tâm là 19 người, bổ nhiệm 7 trợ giúp viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trong điều kiện nhu cầu TGPL lớn, tập trung nhiều ở cơ sở, Trung tâm đã phát triển thêm 20 cộng tác viên, tăng số lượng cộng tác viên TGPL lên 473 người, từng bước đáp ứng kịp thời nhu cầu TGPL tại cơ sở. Ngoài ra, Trung tâm đã thành lập thêm 5 tổ cộng tác viên tại các huyện chưa có Chi nhánh của Trung tâm gồm Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn, Yên Thành và thị xã Cửa Lò nâng tổng số cộng tác viên lên 14 tổ. 

Năm qua, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Nghệ An đã thụ lý và thực hiện hơn 2.300 vụ việc, tiến hành được 22 đợt TGPL lưu động tại các xã nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và 105 cuộc TGPL lưu động về tận thôn, bản.

Vẫn vướng ở nhận thức

Bên cạnh những mặt tích cực cần phát huy, hoạt động của Trung tâm trong năm nay vẫn có những hạn chế, tồn tại cần được khắc phục. Chẳng hạn, theo quyết định kiện toàn Trung tâm của UBND tỉnh, Trung tâm có Phòng Hành chính - Tổng hợp và 2 Phòng nghiệp vụ, nhưng hiện tại Phòng nghiệp vụ 2 thì chưa có nhân sự để thành lập.

Trên địa bàn toàn tỉnh có 16 huyện, thị xã không có Chi nhánh TGPL đặt trụ sở, song có 2 huyện chưa thành lập tổ cộng tác viên do Trung tâm chưa nhận được sự phối hợp của Phòng Tư pháp các huyện. Ngoài ra, mặc dù Trung tâm đã hướng dẫn nhiều lần nhưng vẫn còn 17 xã 135 chưa thành lập Câu lạc bộ TGPL do chính quyền xã chưa nhận thức được rõ vai trò, ý nghĩa của Câu lạc bộ TGPL!

Không những thế, công tác nghiệp vụ cũng gặp một số khó khăn như nhiều người dân chưa được tiếp cận với dịch vụ TGPL miễn phí, đặc biệt là người dân các huyện nghèo. Hạn chế này xuất phát từ nguồn kinh phí thực hiện TGPL lưu động, không có nguồn Dự án, nguồn địa phương chỉ dành cho các xã 134, vì vậy Trung tâm không tổ chức được các đợt lưu động tại các xã không phải là đối tượng thụ hưởng của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo.

Hơn nữa, một số vụ việc xác minh kiến nghị và bào chữa đại diện đạt hiệu quả TGPL chưa cao, trong đó có nguyên nhân là do một số cơ quan liên quan chưa phối hợp với Trung tâm trong giải quyết vụ việc, thậm chí có cơ quan còn gây khó khăn cho cán bộ Trung tâm khi đến làm việc.

Yến Nhi

Đọc thêm