Cái nghèo làm sa ngã người thiếu bản lĩnh
Chiều ngày 17/6, Dũng được mời lên UBND phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) “làm việc”. Cứ nghĩ bình thường như bao người dân khác, Dũng đúng hẹn tìm đến. Vừa có mặt, Dũng bất ngờ nhìn thấy Công an tỉnh Bình Định và đại diện Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52, Công an TP.Đà Nẵng) đọc lệnh bắt tội trốn nã sau 23 năm gây án.
Há hốc miệng ngạc nhiên, mãi đến khi tay tra vào còng, Dũng mới lắp bắp lý sự: “Tôi trộm cắp chứ có giết người nghiêm trọng chi đâu mà bị truy nã, 23 năm rồi, truy nã chi mà lâu rứa?”. Công an Bình Định phải giải thích, mấy mươi năm qua vẫn lần tung tích của Dũng, nay mới thấy. Phía bên ngoài, vợ, con, anh em Dũng cũng hớt hải chạy lên UBND phường, nước mắt ngắn dài mong được nhìn mặt người thân.
Dũng sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Dưới Dũng còn có 8 người em. Ngay từ nhỏ, Dũng luôn cho thấy mình khôn ngoan nhất, học giỏi nhất so với bạn bè cùng trang lứa. Thế nhưng, cảnh nghèo ở mảnh đất miền Trung khắc nghiệt không có tiền cho Dũng nuôi ước mơ, nên mới được đến trường vỏn vẹn đúng 3 năm, Dũng phải ở nhà phụ ba mẹ lao động. Sau giải phóng, gia đình Dũng dắt díu nhau đi kinh tế mới ở Tây Nguyên.
Cuộc sống ở mảnh đất mới cũng không giúp gia đình Dũng khá lên được. Mười năm sau, một lần nữa, anh em Dũng lại theo ba mẹ xuôi về xã Hòa Thắng (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) sinh sống với đủ thứ nghề. Bản thân Dũng, do không được học hành, không có nghề nghiệp ổn định nên cứ rong ruổi nay đây, mai đó, dạt về khu vực các cảng cá làm phu bốc vác.
Thanh niên mới lớn, lại mưu sinh trong môi trường “chụp giựt” để có từng miếng ăn, Dũng dần trở nên lỳ lợm và bất chấp hơn. Những khi không làm ra tiền, Dũng hay tham gia cùng đám thanh niên “lông bông” địa phương nhậu nhẹt, rồi kéo nhau đi trộm cắp, giật đồ…
Năm 28 tuổi, Dũng lấy vợ. Cô gái người gốc Bình Định cùng cảnh khổ quanh năm chỉ ở nhà thuê, đi làm mướn. Bước vào cuộc sống gia đình, đôi vợ chồng trẻ càng khổ trăm bề. Cũng vì thế mà trước ngày vợ “lâm bồn” đứa con đầu tiên 1 tháng, cần tiền chi tiêu, Dũng liền tìm tới một khách sạn trên đường Nguyễn Huệ (TP. Quy Nhơn, Bình Định) để “kiếm ăn”.
Sau vài cái đưa mắt ngang, dọc, Dũng đã “tia” và nhanh tay mở khóa được chiếc Honda đời 81. Vào thời điểm đó, chiếc xe máy có giá trị khoảng 3 lượng vàng, một tài sản khá lớn với nhiều người.
Không may cho Dũng, “ra tay” trong một “phi vụ lớn” như vậy nhưng hành tung, thời điểm quá lộ liễu, lại quên tính toán việc “cắt đuôi” người theo dõi… nên khi vừa dắt “chiến lợi phẩm” ra bên ngoài đã bị công an bắt quả tang. Nhanh chóng, Dũng được đưa về Công an phường.
Trong quá trình lấy lời khai, Dũng giở chiêu vờ bị đau bụng để xin đi vệ sinh, rồi lợi dụng sơ hở của công an phường, bỏ trốn. Ngay trong đên, thấy rằng không thể ẩn náu tại Quy Nhơn được, Dũng tức tốc bắn tin từ biệt vợ rồi nhảy xe chui ra Đà Nẵng. Ngày 26/8/1991, Công an TP.Quy Nhơn đã phát lệnh truy nã toàn quốc đối với đối tượng Nguyễn Văn Dũng.
23 năm bị truy nã nhưng không biết?
Đáp xuống bến xe, Dũng lang bạt khảo sát địa hình rồi quyết định chọn vùng đất hoang vắng, heo hút ở khu Đa Phước (thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) để tá túc. Những năm 1991, dù không có tiền nhưng nhờ sức khỏe tốt, Dũng cũng có thể “sống được” bằng công việc phu hồ.
Thấy Đà Nẵng “đất lành”, khi lo ổn thỏa chổ thuê ở, một năm sau, Dũng đón vợ con và hết thảy người thân từ Bình Định ra lập nghiệp. Đáng nói, lúc đưa vợ con về ở cùng, cuộc sống lại cần chi tiêu nhiều thứ hơn, khiến Dũng thêm lần nữa nghĩ đến chuyện quay lại “nghề” cũ.
Một lần trót lọt, Dũng “quen tay” tới cả chục vụ trộm cắp xe máy. Vào cuộc triệt phá, Dũng đã bị Công an TP. Đà Nẵng điều tra, bắt giữ. Đầu năm 1993, TAND quận Liên Chiểu tuyên Dũng 8 năm tù giam, đưa về thụ án tại Trại giam An Điềm (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
Trong suốt thời gian này, Công an Bình Định không biết Dũng đang chấp hành án ở một địa phương khác, việc thực hiện truy nã về vụ trộm xe máy ở TP. Quy Nhơn rơi vào bế tắc vì không tìm ra manh mối. Đến năm 2000, Dũng được trả tự do. Trở về địa phương hòa nhập cuộc sống, Dũng đến công an địa phương khai báo để xin đăng ký tạm trúm, nhưng “né” đi khoảng thời gian cả gia đình ở Bình Định.
Thời điểm trên, Đà Nẵng có chính sách mở cửa, tạo điều kiện tốt nhất cho những người hoàn lương, nên việc “mập mờ” này của Dũng được chính quyền tạm bỏ qua. Để đáp lại ưu ái của thành phố, Dũng cũng luôn thể hiện một người dân có quyết tâm “làm lại đời”. Chớp ngay thời cơ thị trường mua bán nhà đất ở Đà Nẵng đang sôi động, thấy “cò” đất kiếm ăn được nên Dũng nhanh chóng nhảy vào làm trung gian trong các vụ mua bán. Hoạt bát, Dũng phất lên rất nhanh từ nghề “buôn nước bọt” này. Không khó để vài năm sau, Dũng tậu được đất, xây nhà.
Oái ăm cho Dũng, thời gian tạm trú đã lâu, có nhà đất hẳn hỏi, đủ “chỉ tiêu” nhập khẩu nhưng Dũng lại không tiến hành, khiến chính quyền địa phương đặt dấu hỏi. Thông tin trên cũng được các trinh sát thuộc lực lượng PC 52 Đà Nẵng “để mắt”.
Với vài động tác điều tra tiếp theo về nhân thân đối tượng từ quê, PC 52 Đà Nẵng đã nắm rõ quãng thời gian Dũng ở Bình Định và vì sao đối tượng lại cố tình che giấu. Sau khi nhận được toàn bộ báo cáo từ Công an TP. Quy Nhơn, kế hoạch bắt Dũng được triển khai.
Công an tỉnh Bình Định đã cử đích thân người từng lấy lời khai Dũng 23 năm về trước có mặt tại trụ sở UBND phường Hòa Khánh Bắc chờ “gặp người quen”. Song song, PC 52 Đà Nẵng cử hơn 10 trinh sát phối hợp cùng địa phương đóng giả, bố trí nhiều vị trí khác nhau để bám sát Dũng, phòng trừ bất trắc.
Thời điểm chín muồi, từ UBND phường Hòa Khánh Bắc, chính quyền gửi thông báo yêu cầu Dũng lên làm việc. Ngược lại với nhận định của cơ quan điều tra, Dũng vừa chủ quan, lại vừa không hiểu luật, cứ nghĩ chuyện trộm xe 23 năm trước bất thành nên không hề sợ sệt.
Đến khi nghe đọc quyết định truy nã về hành vi gây ra 23 năm trước, Dũng sững người bất ngờ. Dũng cho hay, gây án xong chưa một lần quay lại nơi cũ hay quê nhà nên bản thân hoàn toàn không nghe, không biết việc mình bị truy nã.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:
1) 5 năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng;
2) 10 năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;
3) 15 năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng;
4) 20 năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định trên, người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ.