Bình thản nhận án tử hình vì ám ảnh 10 năm trốn nã

(PLO) - Bị tuyên án tử, Chính vẫn mong một cơ hội sống.  Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, Chính bỗng xin rút kháng cáo. Làm điều ấy, biết chắc sẽ đón nhận cái chết, vậy mà vẻ mặt tử tù vẫn lạnh lùng, bình thản. 
Vẻ mặt bình thản của bị cáo khi nhận án tử
Vẻ mặt bình thản của bị cáo khi nhận án tử
Tội lỗi giết người bịt đầu mối
Nguyễn Đức Chính (SN 1979, ngụ xã Bình Xa, Hàm Yên, Tuyên Quang) sinh ra trong một gia đình nghèo, là con cả và cũng là con trai duy nhất trong 4 anh chị em. Học hết lớp 12, trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, Chính lên đường nhập ngũ. Sau khi xuất ngũ về địa phương, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Chính đã xin gia đình cho mình vào Nam lập nghiệp. Khoảng tháng 5/2003, Chính tới thị trấn Định Quán (huyện Định Quán, Đồng Nai) xin phụ giúp bán quán rượu. Trong quá trình làm việc ở đây, Chính quen biết với anh Nguyễn Văn Tuyến (SN 1983) là chủ cửa hàng mắt kính gần đó.
Khéo ăn nói lại tỏ ra chịu khó làm việc, Chính nhanh chóng lấy lòng được cả gia chủ và hàng xóm xung quanh. Chính được chủ quán tin tưởng nên mọi việc từ nhỏ đến lớn đều giao cho đảm nhận. Tuy nhiên, trái ngược với vẻ bề ngoài, bên trong Chính là con người khác. 
Khoảng tháng 10/2003, lợi dụng lòng tin và sự sơ hở của gia đình chủ quán, Chính đã lấy trộm 2 triệu đồng. Không chỉ thế, Chính còn lẻn qua cửa hàng anh Tuyến, trộm hàng chục kính mắt, 2 máy đo thị lực hiện đại, mang đi bán lấy tiền tiêu xài.
Cuỗm được lượng tiền bạc kha khá, Chính bỏ trốn về TP.Biên Hòa xin vào làm việc cho một nhà hàng. Tuy nhiên làm cả tháng trời mà chẳng được mấy đồng, nhớ lại ông chủ cửa hàng kính mắt có nhiều tiền lại hay sơ hở, ngày 25/11/2003, Chính bắt xe ôm mò lên thị trấn huyện Định Quán với mục đích đột nhập để trộm cắp tài sản.
Khuya cùng ngày, bị cáo lén lút đi tới nhà anh Tuyến định mở cửa để vào, nhưng cửa đã bị khóa. Chính bèn đổi “chiến lược”, mạnh dạn gõ cửa xin anh Tuyến cho ngủ nhờ, định bụng chờ chủ nhà sơ hở sẽ ra tay trộm.
Thấy người quen cũ xin ngủ nhờ, anh Tuyến thương tình cho vào. Trong lúc chuẩn bị giường chiếu cho khách, anh nói bóng gió là đã biết ai ăn trộm tiền của chủ quán rượu và máy đo mắt của mình. Dù chủ nhà chưa nói rõ là ai nhưng “có tật giật mình”, Chính vừa nằm vừa lo ngay ngáy.
Khoảng 2h ngày 26/11, Chính choàng tỉnh. Nghĩ lại chuyện ban tối, cho rằng anh Tuyến đã biết mình là kẻ trộm, hắn quyết định ra tay bịt đầu mối. Loanh quanh trong nhà, hắn tìm thấy một khúc cây dài khoảng 1 mét dựng gần nhà vệ sinh. Hắn cầm khúc cây đi thẳng vào giường chỗ anh Tuyến đang ngủ rồi vung mạnh vào đầu khiến chủ nhà bất tỉnh. 
Tưởng nạn nhân đã chết, gã lục lọi đồ đạc lấy được 2 triệu đồng tiền mặt và một điện thoại. Lúc này, nạn nhân tỉnh lại, ú ớ hỏi “Tại sao mày đánh tao” rồi giơ chân đạp mạnh vào người Chính. Thủ phạm chụp lấy khúc cây rồi giáng liên tiếp vào đầu, mặc cho nạn nhân van xin tha chết. 
Tàn bạo hơn, hắn còn dùng đầu nhọn của khúc cây chọc nhiều nhát vào cổ, ngực, đùi nạn nhân. Thấy anh Tuyến vẫn còn thở, sợ nạn nhân không chết sẽ tố cáo hành vi của mình, Chính quyết thực hiện đến cùng hành vi mất nhân tính. Hắn bình tĩnh cắt sợi dây của chiếc quạt điện, bóc lộ lõi đồng, sau đó buộc vào chân anh Tuyến và cắm điện đến khi nạn nhân tử vong mới chịu bỏ đi.     
Mười năm không giấc ngủ ngon
Sau khi gây án, Chính vẫn hết sức bình tĩnh. Bị truy nã nhưng đối tượng không cao chạy xa bay trốn chui trốn lủi ở những vùng đất xa xôi hẻo lánh, mà vẫn vô tư xin đi làm nhân viên phục vụ cho một nhà hàng trên địa bàn TP.Biên Hòa để nghe ngóng tình hình. 
Cũng giống như lần trước, Chính nhanh chóng lấy lòng được bà chủ nhà hàng xinh đẹp. Những việc quan trọng của nhà hàng này lại được bà chủ giao phó cho Chính. 
Cuối năm 2004, lợi dụng sự sơ hở của bà chủ, Chính trộm luôn chiếc xe máy đắt tiền cùng một lượng tiền mặt khá lớn rồi bỏ trốn ra các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh...
Đến năm 2008, sau một thời gian thấy tình hình cũng khá yên ắng, Chính đã nghĩ tới việc lấy vợ để làm vỏ bọc để trốn nã. Chính làm quen với một cô gái ở Yên Bái, hai người tự nguyện sống chung với nhau như vợ chồng, không dám tổ chức cưới xin cũng như đăng ký kết hôn vì sợ hành tung bại lộ. 
Năm 2012, người vợ hờ vừa sinh được một đứa con, cũng là lúc cảnh sát phát hiện ra hành tung, tóm gọn Chính trước sự ngỡ ngàng của người vợ lẫn làng xóm nơi kẻ trốn nã sinh sống.
Người nhà khóc ngất khi bị cáo phải trả giá bằng mức án tử hình
 Người nhà khóc ngất khi bị cáo phải trả giá bằng mức án tử hình
Xét thấy hành vi giết người vô cùng tàn bạo, mất hết tính người, không còn khả năng giáo dục cải tạo, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên loại bị cáo Chính vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội. Với mong muốn có cơ hội được sống dù nhỏ nhoi, bị cáo vẫn làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm ngày 12/3/2014, tại TANDTC ở TP.HCM, người dự khán được một phen lạ lùng. Khi HĐXX đang hỏi bố tử tù, thì Chính lặng lẽ quay mặt lại di chuyển về phía người cha của mình. Với vẻ mặt rất lạnh lùng, bỗng dưng Chính cất lời: “Tôi xin rút kháng cáo, chấp nhận án tử hình”.
Luật sư bào chữa theo chỉ định cũng cảm thông chia sẻ với gia đình và bị cáo khi đặt câu hỏi: “Có phải vì hoảng sợ mà bị cáo rút đơn kháng cáo hay không? Bị cáo không muốn tìm cho mình tia hy vọng nào hay sao?”. 
Mặc cho luật sự thuyết phục, bị cáo Chính vẫn một mực từ chối: “Bị cáo cảm ơn luật sư, nhưng bị cáo đã quyết định rồi. Từ khi gây án đến nay đã 10 năm trời, lúc nào bị cáo cũng chuẩn bị tâm lý để đón nhận án tử. Ngay cả trong giấc ngủ, cũng thường mơ thấy kết cục này”, Chính bình thản nói.
Phiên tòa khép lại, Chính bước đi giữa hai hàng cảnh sát hỗ trợ, lâu lâu mới quay lại nhìn bố mẹ mình, nhưng vẻ mặt vẫn hết sức bình thản. Thấy bố mẹ Chính già yếu, lại từ ngoài Bắc xa xôi lặn lội vào thăm con, không biết họ có còn gặp được bị cáo lần nào nữa hay không, nên lực lượng cảnh sát đã cho họ gặp tử tù ít phút để hàn huyên tâm sự.
Trước khi con bước lên xe đặc chủng, bố mẹ Chính khóc ngất. Vẫn thái độ như cũ, tử tù chỉ căn dặn bố mẹ giữ gìn sức khỏe, gửi lời hỏi thăm người thân cũng như vợ con mình ở quê. Sự bình thản của tử tù khiến nhiều người không khỏi lạnh sống lưng. 
Lời căn dặn cuối cùng của tử tù dành cho bố mẹ: “Thôi tội con làm thì con chịu, bố mẹ cứ về đi không phải lo gì cho con đâu. Con xin lỗi bố mẹ vì chỉ có mình con là con trai, mà giờ lại nhận án tử hình. Xin bố mẹ tha thứ cho thằng con bất hiếu này”. Lúc bước lên xe, dường như mắt tử tù đã rưng rưng lệ./.

Đọc thêm