Chấp hành viên làm việc với các ngành chức năng về công tác thi hành án |
Túm "kẻ trọc đầu"
Hai trong số những vụ việc tiêu biểu về THA tiền nợ BHXH trên địa bàn TP HCM đều là của DN 100% vốn nước ngoài. Năm 2008, TAND quận Bình Tân tuyên buộc Cty TNHH Giày Anjin phải trả một lần hơn 6,5 tỉ đồng tiền nợ BHXH. Án tuyên chưa ráo mực thì cơ quan THADS phát hiện DN đã “biến mất”, còn chủ DN thì một đi không trở lại.
Thực tế, tài sản của DN này gồm nhà xưởng, máy móc đã được thế chấp vay vốn ngân hàng. Thời điểm BHXH TP kiện DN cũng là lúc ngân hàng yêu cầu Cty giày Anjin trả nợ. Tuy nhiên, sau khi bán tài sản trừ đi các khoản chi phí, số tiền còn lại khoảng 200 triệu đồng và cơ quan THA giao hết cho ngân hàng.
Cũng vào năm 2008, Cty Giày dép Kwang Nam (100% vốn Hàn Quốc) bị TAND quận Phú Nhuận buộc phải trả một lần cho BHXH TP hơn 7 tỉ đồng. Trả được 500 triệu đồng thì DN tuyên bố phá sản, giám đốc cũng bỏ về nước. BHXH TP đã yêu cầu cơ quan THA cưỡng chế bán đấu giá tài sản nhưng số tiền thu được so với số nợ của DN chỉ như “muối bỏ bể”.
Thống kê cho thấy, trong tổng số 82 vụ mà ngành BHXH TP yêu cầu THA, qua xác minh có đến 22 DN tại TP.HCM với số nợ BHXH lên tới 26 tỉ đồng không còn hoạt động, chủ DN đã “biến mất” khỏi Việt Nam.
Trả lời báo chí về tình hình nợ đọng bảo hiểm và biện pháp xử lý, ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP. HCM cho biết: vẫn còn một số DN nợ lớn, thời gian dài. Về biện pháp, đối với số DN nợ trên 3 tháng, sau khi kiểm tra đôn đốc mà không chuyển biến sẽ chuyển Thanh tra lao động xử phạt, nếu tiếp tục chây ỳ sẽ kiện ra tòa án. Trong 6 tháng đầu năm 2011, BHXH TP đã kiện 59 DN nợ tiền BHXH và thu hồi được 6,3/15,3 tỷ đồng.
Từ năm 2008 đến nay, ông Sang cho biết, BHXH đã khởi kiện hơn 260 DN, thu hồi 65/121 tỷ đồng; BHXH sẽ tiếp tục khởi kiện các DN chây ỳ nợ tiền BHXH. Tuy nhiên, ông Sang thừa nhận: “do là án dân sự nên việc THA còn khó khăn. Chúng tôi đang đề xuất xử lý hình sự các DN nợ BHXH vì đây là hình thức chiếm dụng tiền của người lao động”.
Nói về các bản án nợ đọng tiền BHXH, nhiều chấp hành viên ví việc THA giống như “túm kẻ trọc đầu” bởi khi DN ngừng hoạt động, mất tích hay chủ bỏ trốn về nước thì THA chỉ còn cách “treo” hồ sơ. Và khả năng thi hành được những bản án như vậy là rất khó khăn.
Có tài sản, thi hành cũng khó
Bên cạnh các vụ DN biến mất, bỏ trốn, không còn tài sản thì nhiều vụ khác, dù DN có tài sản THA cũng rất khó thi hành.
Nhiều cơ quan THADS phản ánh, dù họ phát hiện DN có tiền trong tài khoản tại ngân hàng/kho bạc, tuy nhiên khi thực hiện biện pháp phong tỏa tài khoản thì bị làm “khó, dễ”. Mặc dù Luật THADS quy định các cơ quan này phải chấp hành lệnh phong tỏa của cơ quan THA, tuy nhiên nhiều cơ quan nại ra lý do bảo vệ khách hàng của mình hoặc phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên nên không cho thực hiện lệnh phong tỏa. Nhiều tổ chức tín dụng khác cố tình kéo dài, lần lữa tạo cơ hội cho khách hàng rút hết tiền trong tài khoản trước khi THA đến.
Theo Nghị định 60/NĐ- CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tư pháp thì các hành vi nói trên sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quy định phạt như Nghị định 60 còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Thủy từng thừa nhận việc phạt tiền hiện còn nhiều khó khăn. Việc xử phạt hành chính là bước đầu, nếu đương sự không chấp hành thì sẽ bị xem xét để xử lý hình sự về tội không chấp hành án. Tuy nhiên, thực tế các DN bị ra tòa với tội danh này là rất hy hữu.
Khẩn trương, ráo riết với các vụ THA nợ BHXH, kiên quyết với các đối tượng chây ỳ, trốn tránh, đồng thời hoàn thiện các quy định của Luật DN… là các vấn đề cần làm để tránh tình trạng cơ quan THA phải “rượt đuổi” DN như hiện nay.
Huy Hoàng