Trông giữ xe dưới gầm cầu: Chỉ đạo một đàng, làm một nẻo

Quan điểm chỉ đạo của UBND TP. và Sở GTVT đều thống nhất là không chủ trương cấp phép trông giữ xe dưới gầm cầu. Tuy nhiên, thực tế sử dụng gầm cầu làm nơi kinh doanh và trông giữ xe lại diễn biến trái ngược.

Quan điểm chỉ đạo của UBND TP. và Sở GTVT đều thống nhất là không chủ trương cấp phép trông giữ xe dưới gầm cầu. Tuy nhiên, thực tế sử dụng gầm cầu làm nơi kinh doanh và trông giữ xe lại diễn biến trái ngược.

Một điểm trông giữ xe dưới gầm cầu Thanh Trì
Một điểm trông giữ xe dưới gầm cầu Thanh Trì.

Cơ chế “xin - cho”

Việc sử dụng gầm cầu làm điểm trông giữ xe vừa gây mất mỹ quan đô thị vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ khiến lãnh đạo TP. Hà Nội nhiều lần lên tiếng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc này lại hoàn toàn trái ngược với các chỉ đạo.

Đầu tư ít, thu lợi nhiều nên ngày 5/5/2012, Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội làm ngay tờ trình “xin” cấp trên cho “gia hạn quản lý sử dụng gầm cầu Thanh Trì” mà trước đó Sở GTVT đã cho đơn vị này sử dụng vào mục đích thương mại trong thời hạn 1 năm.

Dường như biết việc đồng ý sẽ gây phản ứng, trong văn bản chấp thuận gia hạn, Sở GTVT Hà Nội không quên tiếp tục nhấn mạnh cụm từ “tạm thời sử dụng”: “Chấp thuận gia hạn tạm thời sử dụng khu vực dưới gầm các cầu (kể cả gầm cầu các nút giao thông khác mức và các nhánh rẽ nối liên thông) thuộc các gói thầu số 1, số 2, số 3, số 3A dự án “Xây dựng cầu Thanh Trì và đoạn tuyến Nam vành đai 3 Hà Nội".

Mặc dù, Sở GTVT yêu cầu Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội phải sử dụng đúng mục đích, đúng kích thước, vị trí, bảo đảm trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông, mỹ quan và quy tắc vệ sinh thành phố nhưng theo ghi nhận của phóng viên, dưới gầm cầu Thanh Trì, hàng ngàn m2 đã được dựng hàng rào lưới sắt để tận dụng làm điểm trông giữ xe; thậm chí, một vài điểm còn cho kinh doanh gara ô tô, cơ sở bảo dưỡng xe máy, xưởng sửa chữa, kho tập kết hàng hóa…

Khảo sát một vòng quanh Thủ đô, không khó để thấy nhiều gầm cầu cũng đang được cấp phép cho kinh doanh và trông giữ xe tràn lan. Ước tính, có đến cả nghìn lượt xe được gửi tại các điểm trông giữ này, cùng với nguồn lợi thu được từ “mặt bằng” là thiếu minh bạch, khó kiểm soát.

“Chống lấn chiếm”?

Bà Đinh Tuyết Mai - Phó Phòng Kế hoạch Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội - cho rằng, việc Sở GTVT cho Cty sử dụng mặt bằng tại một số gầm cầu ở Hà Nội để làm điểm trông giữ xe là để nhằm chống lấn chiếm, hạn chế những phức tạp nảy sinh(?). Giải thích các hiện tượng sử dụng trái mục đích và trách nhiệm quản lý của Cty, lãnh đạo Phòng Kế hoạch nói có thể là những trường hợp tồn tại trước, Cty không làm vì như thế là sai quy định; các giấy phép này là tạm thời, hôm nay cấp thì mai lại có thể thu hồi. 

Trong khi đó, Điều 10 Thông tư 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nghiêm cấm: "Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường".

Thực trạng kinh doanh, trông giữ xe dưới gầm cầu vượt cần có giải pháp giải quyết triệt để; nếu không, một khi có sự việc không may xảy ra thì thiệt hại sẽ rất khó lường…

Phi Hùng

Đọc thêm