Tín dụng chính sách - 'đòn bẩy' giúp đồng bào dân tộc Yên Bái thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ đồng bào dân tộc ở Yên Bái có điều kiện đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đồng vốn ưu đãi đã đến đúng đối tượng, góp phần thay đổi diện mạo vùng cao, mang lại niềm tin và động lực mới cho người dân nơi đây giúp bà con không ai bị bỏ lại phía sau.

Yên Bái là một tỉnh miền núi phía Bắc có tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số cao, chiếm 56% với nhiều xã, bản nằm trong vùng đặc biệt khó khăn và 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải thuộc diện nghèo nhất nước, bởi vậy, xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng mà cấp ủy, chính quyền đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Thực tế hơn mười năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận từ tỉnh xuống tận cơ sở, việc tập trung các nguồn lực, trong đó đáng kể đến nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự thay đổi diện mạo mọi làng quê miền núi và cuộc sống của đồng bào các dân tộc.

Những đổi thay kì diệu

Đối với những ai từng đặt chân đến Mù Cang Chải - huyện nổi tiếng với “ba nhất” của tỉnh Yên Bái: xa nhất (cách tỉnh lỵ 150km), cao nhất (trên 1.000 mét so với mực nước biển) và nghèo nhất (từng có gần 60% hộ nghèo vào đầu năm 2010) không khỏi ấn tượng trước hành trình đổi thay nơi đây. Tưởng như khó khăn chồng chất, nhưng chính tín dụng chính sách đã thắp lên khát vọng vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no cho nhiều hộ dân.

Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái, ông Nguyễn Thanh Hải.

Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái, ông Nguyễn Thanh Hải.

Việc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Yên Bái mở phòng giao dịch tại Mù Cang Chải từ năm 2003, với 10 cán bộ tín dụng, kế toán tận tụy, đã đưa 508 tỷ đồng vốn ưu đãi của Nhà nước đến tận các thôn bản vùng cao. Nhờ đó, hàng nghìn hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Đồng bào dân tộc Mông, Thái... ở Mù Cang Chải vốn nổi tiếng cần cù, chịu thương chịu khó, đã sớm nhận ra giá trị thiết thực của nguồn vốn tín dụng chính sách. Nhờ sự hỗ trợ này, nhiều hộ không ngừng nỗ lực làm giàu cho bản thân và góp phần phát triển cộng đồng.

Gia đình anh Mùa Chu Vàng ở bản Rào Xa, xã Kim Nọi cho biết: trước đây, người Mông thường chỉ quen với cách làm nương rẫy theo phương thức truyền thống “chọc lỗ, tra hạt”, cuộc sống vì thế luôn thiếu thốn, bữa đói bữa no. Nhờ nguồn vốn ưu đãi, mọi thứ dần thay đổi.

Cách đây 15 năm, gia đình anh được NHCSXH cho vay 8 triệu đồng không tính lãi. Gần đây, gia đình tiếp tục được vay thêm 80 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ nghèo để đầu tư chăn nuôi, trồng chè. Đến nay, trong chuồng đã có 4 con trâu, 2 con bò sắp đẻ bê, trên đồi hàng nghìn cây chè, giổi xanh tốt, vào vụ thu hái cũng thu được cả tấn búp tươi. Nhờ có đồng vốn, ngôi nhà được sửa sang khang trang, gia đình mua sắm thêm xe máy, ti vi, bể nước sinh hoạt, cuộc sống ngày càng đủ đầy, vững chắc hơn.

Hay như ở thôn Tầm Vông, xã Yên Thắng, gia đình bà Vi Thị Thúy nhờ đồng vốn chính sách đã “đổi vận” cuộc đời. 5 năm trước, bà Thúy đã vay 50 triệu đồng của NHCSXH huyện Lục Yên để nuôi bò sinh sản, trồng keo, cấy lúa nước. Hiện tại gia đình bà có đàn bò 12 con, rừng cây công nghiệp 2,5 ha. “Nhờ đồng vốn chính sách mà tôi mở rộng được quy mô gia trại chăn nuôi và trồng trọt, có việc làm và thu nhập ổn định, giúp gia đình thoát khỏi hộ nghèo năm 2022”, bà Thúy chia sẻ.

Không riêng gì Mù Cang Chải với Lục Yên, tại các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình… đời sống của đồng bào DTTS cũng có bước phát triển mới.

Điểm giao dịch xã của NHCSXH tỉnh Yên Bái.

Điểm giao dịch xã của NHCSXH tỉnh Yên Bái.

Ông Trần Xuân Thủy - Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Yên Bái cho biết: Việc triển khai tín dụng chính sách, đặc biệt từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư là một chủ trương lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng vốn ưu đãi do NHCSXH Yên Bái chuyển về tận cơ sở, đến đúng đối tượng chính sách được thụ hưởng đã góp phần quan trọng, thiết thực thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, nâng cao đời sống người dân và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền.

Nếu như Mù Cang Chải, là minh chứng cho sự hồi sinh ở vùng núi cao, thì Lục Yên - một huyện phía đông bắc của tỉnh Yên Bái. Trong hơn 10 năm qua cũng được tín dụng chính sách làm động lực vươn mình phát triển toàn diện; thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội xứng đáng với tên gọi miền đất Ngọc giữa Tây Bắc.

Ông Đinh Khắc Yên - Bí thư huyện ủy Lục Yên khẳng định: “Chỉ thị 40-CT/TW như kim chỉ nam giúp huyện thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tạo sinh kế việc làm cho người dân, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống, với tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,06% cuối năm 2023 xuống 2,77% vào cuối năm 2024".

Tăng nguồn lực, nâng cao chất lượng tín dụng

Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái cho biết: Trên thực tế, hơn 10 năm qua với Chỉ thị số 40-CT/TW, khi “ý Đảng đã hợp với lòng dân”, tín dụng chính sách đã góp phần thay đổi diện mạo của Yên Bái với những kết quả nổi bật: Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 4,13%/năm, tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm lần lượt 6,89%/năm và 9,46%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch. Đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 5,68% (tương đương 12.575 hộ) và tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,99% (6,612 hộ); 28/59 xã đặc biệt khó khăn đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Hiệu quả vốn chính sách đã giúp người dân nghèo ở Yên Bái phát triển sản xuất.

Hiệu quả vốn chính sách đã giúp người dân nghèo ở Yên Bái phát triển sản xuất.

Đến năm 2025, Yên Bái đạt mục tiêu hoàn thành 100% mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo điều kiện để người dân tự vươn lên, duy trì mức sống ổn định và lâu dài. Định hướng phát triển tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách về kinh tế - xã hội với các khu vực phát triển hơn, đảm bảo quan điểm nhất quán: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách, UBND tỉnh Yên Bái và các huyện, thị xã, thành phố đều trích một phần ngân sách thường xuyên để ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác đạt hơn 308,7 tỷ đồng. Con số này tuy còn khiêm tốn so với các địa phương khác, nhưng đối với Yên Bái-một tỉnh còn nhiều khó khăn là kết quả của sự nỗ lực, chung tay từ chính quyền đến đội ngũ cán bộ tín dụng.

Nhờ đó, tổng nguồn lực tín dụng chính sách tại địa phương đã lên tới 5.650 tỷ đồng, tăng 2.594 tỷ đồng (tăng 84% so với cuối năm 2019). Toàn bộ nguồn vốn này, bao gồm từ NHCSXH cấp trên, vốn huy động tại chỗ và ngân sách địa phương ủy thác, đã được đội ngũ cán bộ tín dụng nhanh chóng chuyển đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp đồng bào dân tộc khai thác tốt thế mạnh nông lâm nghiệp để giảm nghèo và phát triển kinh tế.

Nhờ nguồn vốn tín dụng, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nhờ nguồn vốn tín dụng, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Liên tục 22 năm qua, nhất là sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, cán bộ tín dụng chính sách Yên Bái luôn bám sát cơ sở, tận tâm hướng dẫn người dân sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả. Đơn vị cũng không ngừng đổi mới phương thức cấp tín dụng, nâng cao chất lượng Điểm giao dịch xã và mạng lưới hơn 2.300 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo hộ nghèo đủ điều kiện đều tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã được lãnh đạo và nhân dân Yên Bái ghi nhận, tin tưởng. Việc thực hiện mạnh mẽ các Nghị quyết, đặc biệt là Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, đã làm nền tảng tăng trưởng bền vững nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo bền vững của địa phương.

Phát huy những kết quả đã đạt được, NHCSXH Yên Bái tiếp tục triển khai Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua “chung tay xây dựng nông thôn mới”, “vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, nỗ lực nâng cao chất lượng tín dụng, giữ vững vai trò là trụ cột trong công tác giảm nghèo, xứng đáng là ngân hàng “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.

Đọc thêm