Cận ngày “tốt nghiệp ODA”
Theo tính toán, mỗi năm ngành Điện phải “rót” khoảng 800 triệu USD để đầu tư cho hạ tầng lưới điện, trong khi trong nước, các ngân hàng thương mại không còn hạn mức cho nhu cầu vốn vay của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT).
“4 - 5 năm tới đây, chúng tôi dự tính sẽ phải vay khoảng 60 - 70% nước ngoài, phần còn lại sẽ cố gắng tìm cách huy động từ nguồn trong nước để phục vụ nhu cầu đầu tư các dự án truyền tải điện, dù trong nước, các ngân hàng thương mại gần như đã hết room (hạn mức) đối với chúng tôi”, ông Nguyễn nói.
Rõ ràng, đây là giai đoạn “thử lửa”, là dịp để kiểm tra một cách toàn diện mức độ tín nhiệm của thương hiệu “EVN” trong mắt các định chế tài chính, tổ chức tín dụng... bởi những chỉ số trên sẽ là yếu tố quyết định các khoản vay của ngành Điện nhiều hay ít, trong trong bối cảnh Chính phủ đang chủ trương giảm bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn để tránh “đụng trần” nợ công.
Theo đó, thời gian gần đây, ngành Điện đã sử dụng một nguồn tín dụng ưu đãi khá lớn từ các định chế tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)... Các khoản vay ODA của ngành Điện thường có lãi suất rất ưu đãi, thời hạn trả nợ khá dài.
Nhưng giờ đây, khi không còn “chiếc phao” nói trên hay nói theo cách khác là Việt Nam sắp “tốt nghiệp ODA”, ngành Điện sẽ phải xoay xở ra sao để phục vụ nhu cầu đầu tư hạ tầng lưới điện chưa có dấu hiệu giảm trong thời gian tới?
“Chúng tôi ý thức được tình huống này vì thế thời gian gần đây đã rất nỗ lực làm việc với các tổ chức như WB, AFD... để tiếp tục có được những khoản vay mới. Việc trước đây, hai bên từng có sự hợp tác với nhau, và phía nhà tài trợ vốn biết rõ năng lực EVN, thực sự là một điều thuận lợi cho cả hai khi đàm phán thu xếp vốn trong tương lai”, lời Phó “Tổng” EVNNPT.
Phó Tổng Giám đốc EVNNPT Vũ Trần Nguyễn: "Chúng tôi và AFD vừa có cuộc làm việc về hình thức vay không có bảo lãnh của Chính phủ" |
Được biết, tới đây nếu đàm phán với các định chế tài chính thành công, việc vay trực tiếp này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn nhanh hơn so với vay có bảo lãnh bởi hình thức này thường mất nhiều thời gian và thủ tục phê duyệt khoản vay. Tuy nhiên, việc vay không qua Chính phủ, số lượng vốn vay được thường thấp hơn so với có bảo lãnh.
Vốn ODA “đổ” vào truyền tải có hiệu quả?
Thời gian qua cho thấy, Điện là ngành “ngốn” khá nhiều vốn trong đó có ODA và vốn vay thương mại từ các tổ chức tín dụng. Thực tế này khiến nhiều người quan tâm việc quản lý, sử dụng nguồn ODA có thực sự hiệu quả? Và ai giám sát vấn đề này khi mà theo quy định thì cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính cùng liên quan đến việc quản lý nhà nước, ký hiệp định vay và cân đối nguồn trả nợ?
“Hãy nhìn vào hệ thống hạ tầng lưới điện đã được đầu tư, phát triển thì biết ngay đồng vốn “đổ” vào ngành Điện được sử dụng như thế nào, hiệu quả tới đâu.
Tôi lấy ví dụ thời kỳ đầu tiếp cận nguồn vốn, chúng ta chỉ có khoảng 60 trạm biến áp, nhưng sau một thời gian đầu tư, phát triển con số này đến giờ đã hơn 100. Sản lượng truyền tải điện năm sau thường cao hơn năm trước - tăng hơn 10%.... Điều đó có nghĩa năng lực của hệ thống truyền tải của ta được cải thiện rất nhiều”, ông Nguyễn chứng minh.
Nhu cầu đầu tư hạ tầng lưới điện của EVN không ngừng tăng lên trong thời gian gần đây |
Theo dự báo, việc thu xếp vốn cho các dự án điện giai đoạn từ nay đến năm 2020 là khá khó khăn, đòi hỏi EVN phải xây dựng chiến lược tài chính mới, đảm bảo kế hoạch thu xếp đủ vốn để bù đắp kịp thời mức tăng trưởng điện năng trong tương lai.
Xung quanh vấn đề này, đại diện EVNNPT cho biết thêm, đơn vị này hiện đang có một số khoản vay nước ngoài, nhưng khi lập kế hoạch đã tính toán kĩ về phương án tài chính nên hoàn toàn chủ động trong việc trả nợ cũ và có thể thực hiện tiếp các khoản vay mới để đầu tư xây dựng công trình.
Theo thông báo của WB và ADB, thời hạn vay vốn ODA của Việt Nam còn kéo dài đến năm 2019, sau đó sẽ chuyển sang vay thương mại là chủ yếu. Vì vậy, từ nay đến năm 2019, EVN sẽ phải tích cực làm việc với các tổ chức tài chính và ngân hàng quốc tế như WB, ADB, JICA và các tổ chức tín dụng khác để thu xếp vốn