'Bệnh nặng' ở Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

(PLO) - Kết luận thanh tra tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa công bố cho thấy doanh nghiệp này mang đủ các đặc thù của căn bệnh không ít đơn vị quốc doanh mắc phải.
Hình minh họa
Hình minh họa

Đó là: thiếu trách nhiệm, thất thoát lãng phí. Mang đất vàng đi hùn vốn kinh doanh khách sạn gây lỗ hàng tỉ đồng; mua 300 toa tàu của Trung Quốc không qua đấu thầu gây thiệt hại hàng chục tỉ; tự dựng ra định mức tiêu thụ xăng dầu rồi tự đánh giá tiết kiệm để chia nhau hàng trăm tỉ đồng tiền thưởng.Đặc biệt, trong ba năm, VNR đã cử 188 đoàn đi học tập ở nước ngoài, trong đó có năm 100% là đi theo tour du lịch…

Cung cách làm ăn đó dẫn đến nghịch lý giá vé đường sắt đắt hơn giá vé hàng không. Mỗi năm đến mùa tết, dân nghèo lại trắng đêm “bạc tóc” đi săn vé.

Hạ giá đất “vàng” góp vốn rồi nhượng luôn cho đối tác

Cũng như những “ông lớn” quốc doanh khác, VNR đã góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại hai khu đất “vàng” là 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu (Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Theo xác định của Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện thủ tục góp vốn của VNR trái với nghị định của Chính phủ, trái với quy định đã được Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành đường sắt.

VNR không xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới và phương án đầu tư nhưng vẫn tiến hành ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Công ty Hà Thành - một doanh nghiệp không có kinh nghiệm, kỹ năng kinh doanh nhà hàng khách sạn. 

Trong khi VNR thuê thẩm định giá có chứng thư xác định giá trị hai lô đất này là 67,4 tỷ đồng, thì Hội đồng thành viên VNR quyết định giá trị vốn góp chỉ có 47 tỷ đồng. Riêng việc tự hạ thấp giá trị nguồn vốn đất của mình để đi hùn hạp làm ăn đã là bất thường.

Càng bất thường hơn là đi vào hoạt động, sáu tháng cuối năm 2013, doanh nghiệp hợp tác này lỗ 588 triệu đồng và chín tháng đầu năm 2014 lỗ 2,5 tỷ đồng.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, VNR quản lý sử dụng cơ sở kinh doanh khách sạn trên hai diện tích đất ở vị trí thuận lợi hàng đầu, có giá trị trên thị trường là rất lớn. Thực chất là VNR kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để khai thác cơ sở kinh doanh đang quản lý sử dụng chứ không hẳn là góp vốn với đối tác.

Do đó phải thực hiện đấu giá, đấu thầu để đảm bảo minh bạch, tránh thất thoát tài sản và lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất.

Tuy nhiên, VNR đã thực hiện thủ tục góp vốn thành lập doanh nghiệp mới để thỏa thuận đầu tư kinh doanh khách sạn 4 sao. Đối tác được lựa chọn chưa có khả năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn.

Ngay sau khi có thỏa thuận góp vốn, VNR đã gấp rút đứng tên thực hiện thủ tục thuê đất rồi thanh lý hợp đồng thuê đất để chuyển quyền thuê cho doanh nghiệp góp vốn, với lý do tài sản trên đất đã mang đi góp vốn.

Việc chuyển giao này không thực hiện theo quy định về đấu thầu, đấu giá. Đến nay Dự án đầu tư kinh doanh khách sạn 4 sao chưa triển khai thì VNR đã có chủ trương thoái vốn để nhượng lại toàn bộ cơ sở kinh doanh cho đối tác. 

Thanh tra Chính phủ kết luận VNR đã lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản không qua đấu giá, đấu thầu.

Mua hàng Trung Quốc không qua đấu thầu

Trung Quốc là thị trường nổi tiếng về hàng kém chất lượng và tình trạng chung chi lót tay. Ngành đường sắt Việt Nam vốn đã ngậm quá nhiều quả đắng về làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc, thế nhưng còn nhiều vấn đề bất cập được thanh tra phát hiện như dự án đóng mới 300 toa xe.

Theo đó, Công ty Đầu máy trách nhiệm hữu hạn Tư Dương (của Trung Quốc) được lựa chọn là nhà cung cấp thiết bị tổng thành, phụ kiện phục vụ lắp ráp (với giá trị 14,5 triệu USD) nhưng không có kế hoạch đấu thầu.

Đã vậy, trong 3 dự án mua sắm máy móc thiết bị với tổng giá trị 408 tỷ đồng (giai đoạn 2003-2009), VNR đã quyết toán các dự án vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 29 tỷ đồng.

VNR cũng phê duyệt giá không đúng thẩm quyền, sai căn cứ, làm giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí ngân sách, đặc biệt là dự án mua ray bảo trì, sửa chữa đường sắt bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Áo với giá cao bất thường so với loại có tính năng tương tự cùng thời điểm.

So sánh về giá cả những vi phạm này đã gây thiệt hại hàng tỉ đồng, nhưng nếu xem xét về chất lượng sản phẩm của những lô hàng không qua đấu giá này, mức thiệt hại còn lớn hơn nhiều. 

Các tài sản hình thành từ dự án 300 toa xe hàng, dự án lắp ráp đầu máy kể trên đã đưa vào sử dụng từ năm 2011, nhưng thời điểm Thanh tra Chính phủ kiểm tra (tháng 1/2015) chưa quyết toán là sai quy định.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2010 – 2013, có đến 24/31 dự án chậm tiến độ. Trong đó có nhiều dự án chậm tiến độ nhiều năm.

Tiết kiệm ảo để thưởng thật hàng trăm tỉ đồng

Từ năm 2010 đến năm 2013, VNR đã hạch toán nội dung thưởng sáng kiến tiết kiệm nhiên liệu với số tiền trên 214,5 tỷ đồng. VNR xác định đây là chi thưởng sáng kiến, cải tiến.

Nếu quả tình VNR có chương trình, sáng kiến tiết kiệm nhiên liệu thật sự, khoa học, thì số tiền thưởng này rất đáng hoan nghênh. Nhưng rất tiếc, đây là lấy tiền tươi thóc thật để chia nhau, còn định mức tiết kiệm chỉ là con số ảo. 

VNR đã lấy định mức tiêu hao nhiên liệu do chính VNR thực hiện từ những năm 1990 chưa được rà soát xây dựng lại hoặc điều chỉnh đúng quy trình, không thành lập các hội đồng nghiệm thu các phát minh sáng kiến, làm cơ sở xác định mức tiết kiệm do tổng công ty này xây dựng. Tự mình đặt ra mức tiêu hao, tự mình đánh giá là đã tiết kiệm và tự thưởng.

Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, dù hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh của Ban điều hành VNR trong giai đoạn 2010 -  2013 còn nhiều tồn tại vi phạm nhưng Tổng công ty này vẫn trích tối đa quỹ thưởng Ban điều hành với số tiền trên 1,85 tỷ đồng, theo loại hình doanh nghiệp xếp loại A là chưa phù hợp.

Ngoài ra, từ 2013 đến nay, VNR đã tổ chức 188 đoàn đi nước ngoài với tổng số tiền chi gần 14 tỷ đồng, trong đó có 23 đoàn đi không có văn bản mời hay hợp đồng học tập với phía đối tác, tổng số tiền gần 2 tỷ đồng. 

Kiểm tra hồ sơ 5 đoàn đi nước ngoài năm 2012-2013, Thanh tra phát hiện cả 5 đoàn đi đều hợp đồng qua các công ty du lịch trong nước (theo tours) với nội dung đi nước ngoài là “tham quan, học tập”, tổng số tiền thanh toán trên 1,7 tỷ đồng - sai quy định tại Thông tư 91/2005 của Bộ Tài chính và sai chế độ tài chính về quản lý chi phí.

Cần phương thuốc hữu hiệu hơn

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét để xử lý các khoản tiền có tính sai phạm của VNR theo kết luận thanh tra với tổng số tiền 131 tỷ đồng. 

Trao đổi với báo chí, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam cho biết, sáng 1/9, lãnh đạo Tổng công ty đã giao các đơn vị liên quan làm rõ, thực hiện theo các nội dung đã được nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ và sẽ xử lý, thu hồi số tiền sai phạm theo kiến nghị của Thanh tra.

"Chúng tôi sẽ nghiêm túc thực hiện theo các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ ngay trong năm nay, dù kết luận Thanh tra không nêu rõ thời hạn", ông Hoạch nói.

Sự khắc phục cần thiết của VNR không chỉ là lấp đầy những con số khuyết nhược của Thanh tra nêu mà phải là sự thay đổi căn bản từ cơ chế hoạt động của doanh nghiệp. Điều này thật khó với sự ì ạch của doanh nghiệp quốc doanh.

Tuy nhiên những động thái mới của Chính phủ gần đây như chủ trương không bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhà nước vay vốn và chủ trương thoái vốn bán cổ phần tại 12 doanh nghiệp là những bước tiến, những liều thuốc quan trọng để chữa bệnh cho các doanh nghiệp quốc doanh. 

Cơ chế thị trường và sự cạnh tranh kinh doanh sẽ gạn lọc nghiêm khắc những khuyết nhược hơn bất kỳ đoàn thanh tra nào, giúp doanh nghiệp vượt thoát ra khỏi những trì trệ. Ngay với ngành đường sắt, cũng không thể vì danh nghĩa phục vụ nhu cầu chiến lược mà tiếp tục ôm đồm trong vòng bao cấp.

Đọc thêm