Bổ sung nhiều trường hợp thuộc phạm vi bồi thường của Nhà nước

(PLO) - Trình Quốc hội lần này và dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) đã bổ sung nhiều trường hợp thuộc phạm vi bồi thường của Nhà nước.
Bổ sung nhiều trường hợp thuộc phạm vi bồi thường của Nhà nước

UBTVQH (UBTVQH) cho biết, việc chỉnh sửa, bổ sung này dựa trên ý kiến của đa số ĐBQH tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV. 

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật hiện hành về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để chỉnh lý dự thảo Luật trên nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Theo đó, trong từng lĩnh vực cụ thể, đã bổ sung các trường hợp thuộc phạm vi bồi thường của nhà nước:

Trong hoạt động quản lý hành chính (Điều 17) bổ sung trường hợp bồi thường do áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trái pháp luật: “buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng” (khoản 3 Điều 17). Việc bổ sung quy định này là để bảo đảm phù hợp với Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đồng thời tăng cường tính minh bạch, thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Bổ sung trường hợp bồi thường do “Không áp dụng hoặc áp dụng không đúng quy định của Luật tố cáo các biện pháp bảo vệ người tố cáo khi người đó yêu cầu” (khoản 6 Điều 17). Việc bổ sung quy định này là để bảo đảm phù hợp với điểm d khoản 1 Điều 35 của Luật Tố cáo năm 2011 (được kế thừa trong dự thảo Luật Tố cáo trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 3), đồng thời quy định cụ thể hơn từng trường hợp được bồi thường để bảo đảm tính khả thi.

Bổ sung trường hợp bồi thường do “Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin về cố ý cung cấp thông tin sai lệch mà không đính chính và không cung cấp lại thông tin” (khoản 7 Điều 17). Việc bổ sung quy định này là để bảo đảm thống nhất với khoản 2 Điều 15 của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; đồng thời, giới hạn chỉ bồi thường trong một trường hợp cụ thể gắn với lỗi cố ý của người thi hành công vụ.

Trong hoạt động tố tụng hình sự (Điều 18)

Bổ sung trường hợp bồi thường “Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật” (khoản 1 Điều 18) cho thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 31 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhưng cụ thể và chặt chẽ hơn, bảo đảm tính khả thi, đồng thời bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính (Điều 19)

Quy định cụ thể trường hợp bồi thường“Ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị cơ quan có thẩm quyền kết luận là trái pháp luật mà người ra bản án, quyết định đó bị xử lý kỷ luật, xử lý trách nhiệm hình sự hoặc hành vi trái pháp luật của họ đã được xác định tại quyết định giải quyết khiếu nại hoặc kết luận nội dung tố cáo của Chánh án Tòa án có thẩm quyền” (khoản 5 Điều 19);

Cụ thể hóa nội dung làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc bằng các hành vi cụ thể: “Thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các tài liệu, chứng cứ hoặc bằng các hành vi khác làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc dẫn đến việc ban hành bản án, quyết định trái pháp luật” (khoản 6 Điều 19).

Việc chỉnh lý như trên phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và làm rõ hơn căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người đã ra bản án, quyết định. Quy định như vậy cũng bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn hoạt động của Tòa án.

Đọc thêm