Các anh như cây bàng vuông bất tử giữa sóng nước Trường Sa!

(PLO) - Đã 30 năm trôi qua, nhưng trận chiến giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào ngày 14/3/1988 vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của nhiều người. Trận chiến đấu ấy có 64 chiến sĩ hy sinh, hầu hết tuổi đời còn rất trẻ. Các anh như cây bàng vuông bất tử, sống mãi với Trường Sa, với những người ở lại...
Những hình ảnh gặp mặt ôn lại kỷ niệm tổ chức thường niên tại Đà Nẵng về trận Hải chiến Trường Sa.
Những hình ảnh gặp mặt ôn lại kỷ niệm tổ chức thường niên tại Đà Nẵng về trận Hải chiến Trường Sa.

“Đại đội khuyết” đã không về!

Ngày 14/3, từ lâu đã trở thành ngày lễ tang trắng, với những gia đình có con em hysinh trong trận Hải chiến Trường Sa. 30 năm trước, cũng trong ngày này, 64 chiến sĩ anh dũng ra đi để bảo vệ cho chủ quyền dân tộc. Đến thời điểm hiện tại, hoàn cảnh hy sinh của những chiến sĩ Hải quân Việt Nam trên vùng biển Cô Lin- Len Đao-Gạc Ma đã và đang được cả thế giới biết đến qua những thước phim công bố. Những thước phim xác thực nói lên ý chí, sự dũng cảm, kiên trung của những người tay không giữ đảo…

Tháng 8/2008, ngư dân đã đưa lên được 4 bộ hài cốt liệt sĩ từ xác tàu HQ 604, đồng nghĩa vẫn còn 60 hài cốt bộ đội đang nằm sâu dưới lòng biển. Bảy người trong số họ đến từ Hòa Cường, một phường nghèo lúc ấy của TP. Đà Nẵng. Họ gia nhập quận đội năm 1987 thuộc Đại đội 9 Trung đoàn Hải quân công binh 83.

Ngày ra đi, tất cả các anh đều còn rất trẻ. Hơn 26 năm trôi qua nhưng cho đến tận bây giờ, Đại đội 9 vẫn còn trong biên chế của Trung đoàn Hải quân công binh 83 anh hùng: đại đội khuyết, cái tên gọi như một cách vinh danh các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong trận bảo vệ biển đảo năm xưa. Làm người lính và lên đường bảo vệ vùng biển đảo Tổ quốc, giống như nhiều đồng đội khác, 7 người con của Hòa Cường gồm Trương Quốc Hùng (SN 1967), Trần Tài (SN 1967), Phan Văn Sự (SN 1968), Nguyễn Hữu Lộc (SN 1968), Phan Văn Lợi (SN 1969), Lê Văn Sanh (SN 1967), Nguyễn Phú Đoàn (SN 1968) đã kết thành vòng tròn sinh tử- những chiến sĩ cuối cùng bảo vệ đảo Gạc Ma 14/3/1988.

Đặc biệt, trong số 64 liệt sĩ nằm xuống ở Trường Sa năm 1988, còn có 1 người con ở Quảng Nam, một học viên- liệt sĩ Nguyễn Bá Cường. Nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường viết như gói gọn xúc cảm của 64 con người nhưng giống nhau về hoàn cảnh: “Mặc dù biết rằng khi ta bước chân ra đi thì chưa biết ngày nào trở về với gia đình (…), trước mắt gia đình ta khó khăn về mọi mặt, cha ta một nắng hai sương, mẹ ta lo chạy vạy ngày 2 bữa…”.

Bất tử trong ký ức đồng đội, gia đình

Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh (SN 1966, quê Quảng Bình, hiện công tác tại BTL Hải quân Vùng 5) cho biết, trong các đồng đội ngoan cường, anh mãi nhớ hình ảnh của Thiếu úy Trần Văn Phương quấn lá cờ Tổ quốc và hô vang trước lúc hy sinh: “Thà hy sinh chứ không để mất đảo. Những giọt máu hồng của ta sẽ tô thắm cờ Tổ quốc không bao giờ phai”. 

Anh Lê Hữu Thảo (quê Hương Sơn, Hà Tĩnh) bùi ngùi nhớ lại, khi quân Trung Quốc bắn cháy, chìm tàu 604, anh cùng một số đồng đội khác bị rơi xuống biển. Sau khi bọn chúng rút đi, anh bơi được vào đảo và cùng một số chiến sĩ đi cứu vớt được những người bị thương như đồng chí Lanh, đồng chí Hải, đồng chí Hưng và thi thể của đồng chí Trần Văn Phương trên một chiếc xuồng nhỏ. 

Sau gần một ngày lênh đênh trên biển, xuồng anh Thảo được tàu HQ 505 của ta phát hiện và đưa vào đảo Cô Lin. Còn thi thể đồng chí Phương được đưa vào đảo Sinh Tồn mai táng. Sau này một số đồng chí bị thương cũng được tàu HQ 505 cứu vớt… Còn các chiến sĩ hy sinh nằm lại với biển đảo, như cây bàng vuông bất tử!

Nén dòng cảm xúc, bà Hồ Thị Lai (ngụ đường Lê Nổ, Đà Nẵng) sụt sùi nhớ về đứa con trai Trương Quốc Hùng. Cẩn thận mở cửa tủ, bà Lai nâng niu một cái chăn còn mới (dù mẫu mã đã cũ): “Con tôi có hiếu lắm, trước khi đi, nó được đơn vị phát cho một cái chăn và lập tức đưa về đổi lấy chăn cũ của má dùng. Chiếc chăn nay trở thành một trong số ít kỷ vật còn sót lại về đứa con trai bà Lai, bởi các con bà sợ mẹ thấy kỷ vật của Hùng lại càng phiền não, nên đã đốt hết.

Đã 30 năm rồi vẫn như mới ngày hôm qua, nhận tin con hy sinh tại quần đảo Trường Sa, bà Lê Thị Muộn (SN 1931, ngụ tại đường Hàn Thuyên, Đà Nẵng) lại nhân đôi nỗi đau khó gọi thành tên. Bà kể, hôm đó, chồng bà (ông Phan Văn Bé) bị bệnh gan đang nằm điều trị tại bệnh viện, vô tình nghe tin trên đài đọc thông báo những chiến sĩ hy sinh và mất tích, khi nhắc đến tên “Phan Văn Sự” khiến ông gục hẳn. Từ đó, bà lấy ngày 14/3 là ngày giỗ chung cho cả hai cha con. Nhiều lúc tỉnh hay mơ, bà đều thấy hình ảnh của hai cha con cùng về, không sao cầm lòng được. 30 năm nay, bà luôn mang chiếc áo Hải quân đứa con trai gửi về tặng mẹ trước lúc ra Trường Sa. Bà may lại rồi khoác trên mình, vừa đỡ nhớ con, vừa hãnh diện về đứa con trai, lính đảo Hải quân Việt Nam!

Với ông Lê Văn Xuân (SN 1940, ngụ tại đường Nguyễn Thành Y, Đà Nẵng), ký ức mà ông nhớ nhất bữa rượu tiễn biệt. Xanh, đứa lớn tuổi nhất trong nhóm 8 anh em ở Hoà Cường, cùng đi vào Cam Ranh trên chuyến tàu HQ 604. Vì thế, trước lúc lên đường, ông Xuân mời tất cả gặp mặt một bữa, làm vài chén rượu chia tay. 

“Thấy mấy đứa trẻ, lại đi xây dựng và bảo vệ đảo Trường Sa xa xôi, để động viên các cháu, tôi uống mời mỗi đứa một li. Đến ly thứ tám, Xanh nói ba mệt rồi, để con “gánh” cho. Cả nhà cùng cười xoà. Chúng đi trong tiếng cười rộn rã, với những cái bắt tay nắm chặt. Nào ngờ…”, ông Xuân ứa dòng lệ lăn dài trên má.

30 năm nay, cứ đến ngày 14/3 hàng năm, trên bàn thờ con mình ông đều bỏ bảy chén rượu (anh Dương Văn Dũng còn sống trở về, nhưng nay mất vì căn bệnh ung thư vào năm 2017) và mời các anh cùng uống… Tuy buồn đau nhưng ông Xuân và gia đình rất đỗi tự hào về đứa con trai của mình cùng các đồng đội, đã hiến tuổi xuân cho Trường Sa, cho Tổ quốc!

Đọc thêm