Cách làm nên nhân rộng của Sư đoàn 324 (Quân khu 4)

(PLO) - Sư đoàn 324 (Quân khu 4)  được biên chế số lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật rất lớn nhưng qua nhiều năm sử dụng nên xuống cấp, tính đồng bộ thấp và trang thiết bị phục vụ sửa chữa, bảo quản, bảo dưỡng còn thiếu và yếu. Thời gian qua, đơn vị đã đầu tư hệ thống sơn tĩnh điện, góp phần nâng cao tính thẩm mỹ, tuổi thọ và chất lượng cho từng loại vũ khí, trang bị, kỹ thuật. 
Cán bộ, chiến sỹ Đại đội 26 trạm sửa chữa, phòng Kỹ thuật Sư đoàn 324 đang vận hành dây chuyền sơn tĩnh điện
Cán bộ, chiến sỹ Đại đội 26 trạm sửa chữa, phòng Kỹ thuật Sư đoàn 324 đang vận hành dây chuyền sơn tĩnh điện

Thượng tá Lưu Văn Tuấn - Chủ nhiệm Kỹ thuật Sư đoàn 324 - dẫn chúng tôi đến Đại đội 26 Trạm sửa chữa (Phòng Kỹ thuật), xem quy trình hoạt động của dây chuyền sơn tĩnh điện. Đầu giờ sáng, không khí làm việc rất rộn ràng: người tẩy gỉ, lau dầu; người đánh bóng; người trộn sơn, người đưa hàng vào băng chuyền… rất nhịp nhàng. Hơn 2 tiếng đồng hồ sau, mẻ hàng đầu tiên hoàn thành, nếu không tinh ý thật khó để nhận ra đây là những vũ khí cũ vừa được sơn sửa lại.

Thượng tá Tuấn bộc bạch: “Hàng năm, trạm sửa chữa của Sư đoàn phải bảo dưỡng, sơn sửa một lượng lớn vũ khí, khí tài, nhất là các loại súng hỏa lực, súng bộ binh, giá bia bảng… nhưng số lượng cán bộ kỹ thuật có hạn, trình độ tay nghề không đồng đều, cách pha sơn chưa khoa học, chỉ làm bằng thủ công nên có nhiều nơi sơn dày, sơn mỏng thậm chí có nơi còn sót và chỉ sau một thời gian sử dụng một số vũ khí sơn bị bong tróc mất nhiều thời gian, công sức và tiền của.

Từ khi lắp ráp, đưa vào sử dụng dây chuyền sơn tĩnh điện, hiệu quả rất rõ rệt: tính thẩm mỹ cao, nước sơn đẹp, đều và bóng, thời gian sử dụng dài, số ngày công, giá thành rẻ hơn rất nhiều”.

Ưu điểm của dây chuyền sơn tĩnh điện là tiết kiệm 25% nhiên liệu đốt, bột sơn có thể thu hồi triệt để đến 97% để tái sử dụng tránh lãng phí khi sản xuất.

Để vận hành dây chuyền hoạt động hiệu quả như hiện nay, những ngày đầu đơn vị gặp không ít khó khăn. Trung úy Phạm Văn Tú - Đại đội trưởng Đại đội 26 trạm sửa chữa của Sư đoàn - cho biết: Khi đã lắp đặt xong dây chuyền, chúng tôi suy nghĩ phải vận hành như thế nào cho thật hiệu quả. Chúng tôi đã cử một số cán bộ trong đơn vị về các thành phố lớn có dây chuyền sơn tĩnh điện để tập huấn, bồi dưỡng. Với phương châm đào tạo tại chỗ, người biết nhiều hướng dẫn người biết ít, đến nay đơn vị đã có số lượng thợ rất hùng hậu, đáp ứng mọi nhu cầu của đơn vị.

Đặc biệt, từ khi dây chuyền đi vào hoạt động không chỉ sơn sửa vũ khí trang bị trong toàn Sư đoàn mà nhiều hộ dân trên địa bàn đóng quân cũng đưa sản phẩm đến sơn rất đông, nhất là hệ thống cửa sắt, hàng rào sắt… so với ngoài thị trường giá thành rẻ hơn, chất lượng tốt. Do vậy, đơn vị cũng có thêm một phần kinh phí để bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ và tái đầu tư, bảo quản, bảo dưỡng dây chuyền. 

Thiết nghĩ, đây là một cách làm hay rất cần được các đơn vị khác nhân rộng...

Đọc thêm