Cán bộ là một nghề?

(PLO) - Dĩ nhiên, cán bộ là một nghề, chính danh trong bản khai lý lịch, mục nghề nghiệp: Cán bộ, để phân biệt với “nhân sinh bách nghệ” như nông dân, thợ thuyền, giáo viên hay nhà báo, luật sư... Đặc trưng của nghề cán bộ là làm việc tại công sở, thực thi công quyền, hưởng lương... và hoạt động theo Luật Cán bộ, công chức.  
(hình minh hoạ)
(hình minh hoạ)

Cán bộ có thể kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau do cơ quan phân công, nhưng không được phép làm những việc ngoài nhiệm vụ của mình, nguyên tắc “được làm tất cả các việc pháp luật không cấm” dành cho dân thường, còn cán bộ thì phải: “Làm những gì pháp luật cho phép” mà thôi! Đó là một sự phân biệt lớn giữa cán bộ và dân thường.

Nhưng, thực tế lại khác với một bộ phận cán bộ. Những cán bộ này có thể làm bất cứ việc gì để làm giàu từ “chạy xe ôm” đến “buôn chổi đót”, trước kia là nuôi chim cút và giờ là thành lập các trang trại đón lõng bò, dê đi lạc. Mới đây nhất, trong phiên họp của Thường vụ Quốc hội bàn về cơ chế của các đặc khu kinh tế, bà Phó chủ tịch Quốc hội phát hiện thêm một nghề của cán bộ là làm “cò đất”, bà cảnh báo nguy cơ cán bộ có thể mất nghề vì làm thêm nghề tay trái mà kiếm bộn tiền này. Đây cũng là phát huy truyền thống “bảo mật thông tin” quy hoạch của các cán bộ lớp trước để bán thông tin hoặc mua đất đón lõng quy hoạch.

Sắp tới, vào ngày 19/4, TAND TP HCM sẽ đưa ra xét xử đường dây mua bán “lô-gô” xe vua. Bản chất là tham nhũng, các xe này thỏa sức vi phạm luật nhưng không bị xử lý vì đã dán “lô-gô” này. Người bán “lô-gô” không thể ai khác, ngoài những cảnh sát giao thông và những người mua “lô-gô” này cũng đã khai ra danh tính của hơn 80 cán bộ cảnh sát giao thông của 3 tỉnh thành gồm Đồng Nai, Bình Dương và TP HCM đã bán cho họ. Tuy nhiên, vụ án môi giới  và đưa hối lộ này không có ai nhận hối lộ cả. Nghịch lý khó tin này cũng không hiếm lắm, nó từng xảy ra ở phiên tòa tương tự tại Bắc Giang. Có điều, người ta biết thêm một việc làm khác của một số cán bộ cảnh sát giao thông là bán “lô-gô”.

Từ hiện tượng trên, chúng ta thấy nghề “bảo kê” khá thịnh hành trong một bộ phận đội ngũ cán bộ của chúng ta trong mối quan hệ cảnh sát giao thông với xe vi phạm, kiểm lâm với lâm tặc, quản lý thị trường với kinh doanh hàng giả, hải quan với buôn lậu, người chống tội phạm công nghệ cao với bọn tổ chức đường dây đánh bạc trên mạng,...

Tham nhũng hiện diện ở mọi nơi, trong tất cả các lĩnh vực và cũng khá công khai như việc “hành nghề tay trái” vừa dẫn ra ở trên.

Đọc thêm