Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa thành lập Tổ công tác về kiểm tra công vụ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân làm Tổ trưởng với nhiệm vụ giúp Thủ tướng kiểm tra việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật của cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ trong hoạt động công vụ tại các bộ, ngành, địa phương.
Chúng ta thấy cần thiết phải “thanh tra công vụ” nhưng vấn đề cũng đáng bàn là chúng ta hy vọng điều gì?
“Thanh tra công vụ” được quy định tại chương VIII, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (Luật số 22/2008/QH12) và được hiểu đó là thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật; thanh tra việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, đánh giá, thôi việc, nghỉ hưu, khen thưởng, xử lý kỷ luật công chức, đạo đức, văn hóa giao tiếp trong thi hành công vụ của công chức và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động công vụ. Nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thanh tra các bộ, ngành, sở, tỉnh, huyện... Tóm lại, ở đâu có chính quyền (ngành hay lãnh thổ), thanh tra nơi đó đều có nhiệm vụ, quyền hạn “thanh tra công vụ”.
Đáng tiếc, như than thở của một ông Tổng Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ) cách đây 20 năm: hệ thống cơ quan thanh tra hiện nay là “thanh tra thủ trưởng”, thủ trưởng “chỉ đâu đánh đấy”, không bao giờ có hiệu lực, hiệu quả (nếu không “thuận ý” thủ trưởng không bao giờ kết luận thanh tra được công nhận).
Nhân câu chuyện ông Phan Văn Vĩnh đang thu hút sự quan tâm của dư luận, thử đặt ra một câu hỏi ở Bộ “nhạy cảm” nhất là Bộ Công an: Tại sao, với một Bộ có hệ thống kiểm tra, Thanh tra rộng lớn, nhằng nhịt như Bộ Công an (Bộ có Thanh tra Bộ ngang cấp Tổng cục và 6 tổng cục đều có thanh tra - cấp Cục) nhưng các vấn đề nội bộ phát hiện không kịp thời? Để đấu tranh chống tội phạm ngoài xã hội, chuyên ngành Cảnh sát Hình sự chỉ có một tướng nhưng Thanh tra, kiểm tra nội bộ có rất nhiều tướng - điều này cho thấy bộ máy rườm rà nhưng hiệu quả không đạt được như mong muốn.
Thiệt hại về cán bộ luôn là nỗi đau chung.
Rất nhiều văn kiện Đảng từ trước đến nay đã nói đến “kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực thi công vụ còn nhiều yếu kém” chứ đến bay giờ mới thấy “lỏng lẻo”. Việc Thủ tướng thành lập tổ kiểm tra kỷ luật công vụ lần này được kỳ vọng là biện pháp để “quản lý tốt hơn đội ngũ cán bộ” vì “cán bộ tốt mới có bộ máy hiệu quả, người dân mới được phục vụ tốt hơn”; tuy nhiên Thủ tướng không thể làm thay trách nhiệm các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các cấp.
Chừng nào chưa xác định được trách nhiệm của các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND, tức là họ không bị cách chức, miễn nhiệm (chưa nói đến từ chức vì tìm ra người có liêm sỉ gần như không thể) thì còn lâu mới nói đến kỷ luật công vụ. Đã đến lúc cần thẳng thắn, dũng cảm, công tâm để thấy rằng, nhiều nơi có thanh tra ngành đấy nhưng nói về hoạt động, hiệu lực và hiệu quả của thanh tra công vụ thì đã và đang “bất lực, vô dụng”.