Cần có một chuẩn mực khi hát Quốc ca?

(PLO) - Việc ca sĩ Mỹ Linh- là ca sĩ duy nhất được chọn hát Quốc ca Việt Nam trước Tổng thống Mỹ Obama tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội đã có sự thể hiện rất mới, lạ tai với những âm điệu rung trầm nhấn nhá đã gây nên những tranh cãi trong dư luận.
Cần có một chuẩn mực khi hát Quốc ca?

Tuy nhiên, việc “làm mới” Quốc ca chỉ mới dừng lại với những cuộc tranh luận trái chiều của dư luận mà không hề có chuẩn mực, chế tài cụ thể.

Quốc ca thời bình khác Quốc ca thời chiến

Đa phần những ý kiến trái chiều đều cho rằng phần thể hiện của Mỹ Linh “ê a, lê thê, thiên về kỹ thuật, thiếu chất hùng hồn, hào sảng như thường thấy”. Đó là cách hát “phá nát” tác phẩm bi hùng, quốc hồn của dân tộc và mất đi thần thái, ý nghĩa vốn có của Quốc ca.  

Khi bị “ném đá” dữ dội, ca sĩ Mỹ Linh giãi bày: “Xin chia sẻ lại video tôi hát Quốc ca trong lễ khánh thành Ngôi nhà Xanh Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam. Đã qua rồi thời chiến tranh bom đạn nên tôi hát Quốc ca với thông điệp của thời bình với tinh thần hàn gắn và chia sẻ yêu thương chứ không hừng hực kháng chiến như ngày nào”.

Không chỉ Mỹ Linh “làm mới” quốc ca mà còn có nhóm MTV. Cũng từng đại diện Việt Nam hát Quốc ca tại Lễ khai mạc Vietnam Festa ở Kanagawa (Nhật Bản) vào tháng 9/2015 trước Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản, trưởng nhóm MTV- anh Lê Minh, cho biết:  “Đây là một vinh dự rất lớn đối với nhóm. Thú thật đây là lần đầu tiên MTV được mời hát quốc ca theo phong cách Acapella nên cũng không hình dung được mọi người sẽ đón nhận ra sao và phải hát trước hàng ngàn khách mời quan trọng, chúng tôi cảm thấy rất áp lực. Một phần nữa là do tất cả những sự kiện lớn của Việt Nam cũng ít khi nào để bài Quốc ca được thể hiện bằng Acapella. 

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ cộng đồng cho rằng mỗi ca sĩ có quyền tự do thể hiện một bài hát, bất kể bài nào, dù là bài Tiến quân ca (Quốc ca). “Họ có quyền hát như ý mình muốn, chứ không phải theo lệnh, dù là lệnh của chính quyền hay của đám đông. Tôi tôn trọng quyền tự do sáng tạo, tự do biểu đạt của nghệ sĩ. Họ có quyền sáng tạo, còn sáng tạo có hay không lại là chuyện khác. Chúng ta có thể không thấy hay, nhưng không nên vì thế mà quay ra sỉ nhục người hát”- Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh.

Còn nhạc sỹ Huy Tuấn cho rằng: “Tôi nghĩ là nghệ sĩ phải trung thực với cảm xúc và tư duy thẩm mỹ của mình. Mỹ Linh đã làm điều đó như một sự tôn trọng đối với người nghe, hơn nữa sự cảm nhận và cách xử lý của mỗi nghệ sĩ sẽ làm nên cá tính riêng”. 

Có người còn so sánh với việc “cải biên” quốc ca của các nghệ sĩ Mỹ,  các ca sĩ Mỹ được thoải mái biến tấu, làm mới Quốc ca. Riêng ca sĩ Whitney Houston được xem là ca sỹ thể hiện Quốc ca Mỹ thành công nhất, khi cô hát nó ở giải Super Bowl năm 1991.

Sau đó, bản Quốc ca của Whitney đã đạt được vô số kỉ lục về mặt thương mại, cạnh tranh với cả những ca khúc đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc và đi vào lịch sử nước Mỹ. Ngoài việc cổ vũ Mỹ Linh, có người còn hô hào dư luận cần phải học hỏi tinh thần Mỹ. Không nên cổ hủ, chấp nhất vào cách hát đã quá quen thuộc.

Không thể tùy tiện thay đổi lịch sử

Cuộc tranh cãi đến hồi đỉnh điểm khi nhà thơ - họa sĩ Văn Thao – con trai cả của cố nhạc sĩ Văn Cao đã rất bức xúc và cho rằng Mỹ Linh không nên lấy lý do “hát quốc ca của thời bình mà hát “Tiến quân ca” trở nên mềm mại như vậy”.

“Khi “Tiến quân ca” được viết xong, cha tôi đã khóc. Ông nói, kể từ hôm nay bài hát “Tiến quân ca” đã không còn là của tôi nữa. Nó đã là của nhân dân. Đây là một hành khúc, dù hát nhanh hay chậm đều cần thể hiện được sự trầm hùng của một hành khúc cách mạng. Và trong số rất nhiều bài hát, chỉ có bài “Tiến quân ca” được chọn là Quốc ca của Việt Nam và được quy định trong Hiến pháp của nước ta. Ca khúc đã sống hơn 70 năm qua, đi theo không biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử đất nước. Mỗi lần Quốc ca cất lên là người nghe thấy được giai điệu hùng tráng của dân tộc. Những giai điệu hùng tráng đó không thể tùy tiện thay đổi được” – họa sĩ Văn Thao bức xúc. 

Ca sĩ Ánh Tuyết bày tỏ, Quốc ca là quốc hồn quốc túy của cả một dân tộc nên không ai có quyền thay đổi bằng tính cách và sở thích cá nhân của mình. Một quốc ca của một đất nước mà được mọi người tùy tiện thay đổi sắc thái thì chẳng khác gì văn hóa, tiếng nói và tinh thần của dân tộc đó bất nhất!

Dường như, việc “làm mới” Quốc ca chỉ mới dừng lại với những cuộc tranh luận trái chiều của dư luận mà không hề có chuẩn mực cụ thể. Và một câu hỏi đặt ra, liệu cơ quan chuyên môn có cần đưa ra một chuẩn mực cụ thể cho tất cả mọi người khi hát “Tiến quân ca” hay các ca sĩ được thỏa sức sáng tạo với Quốc ca?.

Họa sĩ Văn Thao cũng cho biết, gia đình đã hoàn thành mọi thủ tục hiến tặng tác quyền ca khúc “Tiến quân ca”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối kết nối với Quốc hội. Văn phòng Quốc hội đã về gặp gỡ gia đình để thống nhất về nghi lễ hiến tặng ca khúc. “Đúng ra là lễ hiến tặng đã được tổ chức trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII nhưng vì những kỳ họp cuối, Quốc hội bàn nhiều vấn đề lớn nên chưa sắp xếp được. Do vậy, lễ hiến tặng sẽ diễn ra trong nhiệm kỳ mới. Quốc hội là cơ quan đại diện cho nhân dân để nhận, còn tôi đại diện gia đình để hiến tặng tác quyền ca khúc này” - họa sĩ Văn Thao cho biết thêm.

Đọc thêm