Chính quyền cấp xã được ký thỏa thuận quốc tế?

(PLVN) - Thảo luận về dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế (TTQT), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ lo lắng, băn khoăn khi dự kiến mở rộng chủ thể ký kết TTQT phía Việt Nam đến UBND cấp huyện, cấp xã.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh giải trình trước QH về dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh giải trình trước QH về dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế.

Cân nhắc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật TTQT tại phiên thảo luận trực tuyến chiều 22/10, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu nội dung được nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến bên ký kết Việt Nam tại khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật.

Theo đó, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc không nên mở rộng chủ thể ký kết TTQT đến UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Còn nếu mở rộng thì chỉ nên khoanh lại đối với các huyện ở khu vực biên giới, các xã ở khu vực biên giới và có giới hạn phạm vi lĩnh vực cụ thể được ký kết. Có ý kiến đề nghị chỉ nên mở rộng đến cấp huyện vì băn khoăn về năng lực, khả năng thực thi của cấp xã.

Trong khi đó, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung chủ thể ký kết TTQT gồm đơn vị sự nghiệp công lập; cơ quan cấp huyện của tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; các tổ chức khoa học công nghệ, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, các hiệp hội, ngành, nghề. Ý kiến khác đề nghị bổ sung chủ thể ký kết TTQT gồm Tổng Thư ký QH, Văn phòng QH, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ QH. 

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị Ban soạn thảo và QH cân nhắc việc mở rộng chủ thể ký kết TTQT đến UBND xã khu vực biên giới. Hiện nay, chính quyền cấp xã, đặc biệt ở khu vực biên giới, hải đảo thì còn gặp nhiều khó khăn, năng lực của đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, quan hệ quốc tế sâu rộng hướng tới tương lai rất nhạy cảm và đa dạng. 

Về đối ngoại quốc phòng an ninh đòi hỏi cơ quan, tổ chức tham mưu cho chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định. Do đó không phải là cơ quan, tổ chức nào cũng được giao quyền ký kết TTQT. 

Nhấn mạnh là không phải bất kỳ một cơ quan nào cũng được trao thẩm quyền ký kết TTQT, ông Tạo cho rằng dự luật lần này chỉ dừng lại ở cấp UBND cấp huyện trở lên mới được ký TTQT.

Đồng quan điểm, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng đề nghị không nên giao cho cấp xã tiến hành ký kết các TTQT. Theo báo cáo, trong 10 năm có 67 xã có thỏa thuận. Tuy nhiên, TTQT là vấn đề không nên đơn giản hóa. Cạnh đó, năng lực của cấp xã, đặc biệt là các xã biên giới chưa đảm bảo tham gia sâu vào các TTQT.

Cấp xã ký kết thỏa thuận quốc tế có giới hạn

Khác với quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) tỏ ý ủng hộ với giải trình của Ủy ban Thường vụ QH là UBND cấp xã ở một số tỉnh biên giới được ký thỏa thuận về một số lĩnh vực như giao lưu, kết nghĩa, ký hợp tác.

Căn cứ vào xu hướng và thực trạng của địa phương, ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng thống nhất với quy định UBND cấp xã ở khu vực biên giới ký kết TTQT về giao lưu, trao đổi thông tin kết nghĩa giữa chính quyền địa phương cấp xã, hợp tác thực hiện quản lý biên giới phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện Luật, bà Tuyết đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn điều kiện, tiêu chuẩn nhân lực thực hiện nhiệm vụ ký kết TTQT thuộc cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã để có cơ sở bố trí nhân sự thực hiện, công tác đào tạo và đào tạo lại nhân lực.

Đồng thời, nên bổ sung quyền hạn của UBND cấp huyện và UBND cấp xã ở khu vực biên giới trong ký kết TTQT tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 để đảm bảo tính pháp lý và thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật. 

Giải trình trước QH về nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, quy định cho phép UBND cấp xã ở khu vực biên giới được ký TTQT đã được thảo luận kỹ và xem xét hết sức thận trọng. Đây cũng quy định là xuất phát thực tế từ nhu cầu của các tỉnh, nhất là có quan hệ của các xã với các nước láng giềng. 

“Để đảm bảo chất lượng và cũng như quan tâm của các vị ĐBQH là năng lực của các xã có khu vực biên giới ký thì trong dự thảo đã quy định rất rõ là các nội dung được ký kết thỏa thuận của các UBND xã ở khu vực biên giới – đó là chỉ giới hạn trong một số nội dung như giao lưu, trao đổi thông tin, hợp tác quản lý biên giới theo điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký với các nước láng giềng”- Phó Thủ tướng nói. 

Không những thế, TTQT được ký nhân danh UBND cấp xã ở khu vực biên giới phải do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, cho phép. “Quy định này khẳng định trách nhiệm của Chủ tịch trong quản lý hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh, rất phù hợp với chủ trương và quy định của Đảng như Quy định 272, cũng như các quy định của pháp luật và Chính phủ sẽ cụ thể hóa nguyên tắc thống nhất quản lý đối ngoại với việc ký kết TTQT”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Đọc thêm