Công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015

(PLO) - Chiều qua (29/9), tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015. Báo cáo  với 10 chương gồm các vấn đề: Phát triển kinh tế - xã hội và sức ép đối với môi trường; Biến đổi khí hậu, thiên tai; Phát sinh và xử lý chất thải rắn; Môi trường nước; Ô nhiễm không khí; Môi trường đất; Đa dạng sinh học; Tác động của ô nhiễm môi trường; Quản lý môi trường và những thách thức môi trường, định hướng bảo vệ môi trường trong 5 năm tới. 
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà kiểm tra thực địa sau sự cố Formosa gây ô nhiễm môi trường
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà kiểm tra thực địa sau sự cố Formosa gây ô nhiễm môi trường

Tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu nêu rõ, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, môi trường nước ta vẫn đang đứng trước nhiều vấn đề cấp bách cần được tập trung giải quyết. Hoạt động khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương thiếu sự quản lý chặt chẽ, đang làm gia tăng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. 

Chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh; tình trạng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng, một số nơi rất nghiêm trọng. Nhiều làng nghề hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đang gây ô nhiễm cao đối với môi trường. Hạn hán, khô hạn và hoang mạc hóa do tác động cực đoan của thời tiết và biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt đã để xảy ra sự cố môi trường biển một số tỉnh miền Trung vào tháng 4 vừa qua, diễn ra trên diện rộng, gây hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài... 

Báo cáo  cho biết: Ô nhiễm và suy thoái chất lượng nước tiếp tục xảy ra ở vùng trung lưu và hạ lưu (đặc biệt là các đoạn chảy qua khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề), thậm chí, ô nhiễm còn có xu hướng mở rộng phạm vi lên một số khu vực thượng nguồn, vùng nông thôn. Hiện tượng xâm nhập mặn ở vùng hạ lưu, cửa sông diễn ra khá phổ biến trong những năm gần đây tại vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung.

Chất lượng nước biển ven bờ bị ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực do ảnh hưởng của các hoạt động phát triển kinh tế ven biển. Thêm vào đó, các vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, sự cố môi trường và các vấn đề môi trường xuyên biên giới có xu hướng gia tăng, ngày càng phức tạp đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác bảo vệ môi trường...

Giải đáp thắc mắc của các phóng viên về việc tại sao không đưa ra thông số về môi trường năm 2016, ông Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh đây là báo cáo 5 năm chứ không phải hàng năm. Còn Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài đánh giá, ô nhiễm môi trường gia tăng nhưng thời gian gần đây có chậm lại: “Hiện nay có khoảng 20% đối tượng gây ra trên 70% ô nhiễm môi trường, nên chỉ cần xử lý khoảng 20% đối tượng này thì môi trường sẽ được cải thiện tốt lên”, ông Tài cho biết.

Trên cơ sở các phân tích hiện trạng, báo cáo đã đưa ra những kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và Bộ, ngành địa phương trong việc sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; hoàn thiện cơ cấu, tổ chức hệ thống quản lý môi trường... nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm; từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường và bảo đảm các mục tiêu xây dựng kinh tế - xã hội ở nước ta.

Tin vui hiếm hoi

Tại lễ công bố, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho hay, đánh giá về hiện trạng môi trường Việt Nam trong giai đoạn qua cho thấy, với sự nỗ lực trong công tác quản lý và kiểm soát ô nhiễm, chất lượng môi trường nước, không khí, cảnh quan môi trường của một số khu vực đô thị đã được cải thiện đáng kể.  

Đọc thêm