Cư dân có quyền từ chối khai thông tin cá nhân

(PLO) - “ Việc Công an TP.Hà Nội tự động tiến hành dự án thu thập cơ sở dữ liệu dân cư trên địa bàn thành phố, đưa ra rất nhiều thông tin vượt cả quy định hiện tại là việc làm thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng người dân và các cơ quan chức năng khác.”- một chuyên gia pháp lý nói với PLVN.
Theo Luật chỉ kê khai 21 thông tin
Theo Luật chỉ kê khai 21 thông tin
Theo luật, chỉ kê khai 21 thông tin
Theo Điều 6 Nghị định 90/2010/NĐ-CP ngày 18/8/2010 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thì thông tin của công dân được thu thập, cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chỉ bao gồm 22 đầu mục thông tin.
Và tại Thông tư 10/2013/TT-BCA ngày 22/2/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 90/2010/NĐ-CP nói trên có ban hành kèm theo một mẫu Phiếu thu thập thông tin dân cư. Trong mẫu Phiếu này chỉ nêu 21 thông tin bắt buộc phải thực hiện khi thu thập thông tin dân cư, đó là: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; số CMND, ngày cấp, nơi cấp; trình độ học vấn; trình độ chuyên môn, kỹ thuật; nghề nghiệp hiện tại; nơi làm việc; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; họ và tên cha, quốc tịch; họ tên mẹ, quốc tịch; họ tên vợ/chồng, quốc tịch; họ và tên chủ hộ; quan hệ với chủ hộ; sổ hộ khẩu; số Hộ chiếu, ngày cấp, cơ quan cấp; số Thẻ bảo hiểm y tế, ngày cấp, cơ quan cấp; mã số thuế cá nhân; tình trạng hôn nhân.
Những thông tin nói trên được coi là cơ bản và đủ để cơ quan chức năng quản lý công dân và vì thế không bị người dân phản ứng.
Tuy chứa đựng những nội dung cơ bản như vậy nhưng theo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an), đơn vị này đang được giao sửa đổi Nghị định 90 nói trên, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng nên bớt số đầu mục kê khai vì  22 thông tin vẫn là nhiều.
Được biết, việc sửa đổi Nghị định nhằm phù hợp với đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia thông qua việc cấp mã số định danh cá nhân. Giữa bối cảnh đang áp dụng Nghị định như vậy mà Công an TP.Hà Nội lại bắt dân kê tới 32 đầu mục thông tin là khó hiểu và chẳng ăn nhập gì với xã hội.
“Hiện, đề án cấp mã số công dân, xây dựng Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đang được triển khai xây dựng, đang thí điểm cấp CMND với công nghệ lưu trữ thông tin mới mà Công an  TP.Hà Nội tự động tiến hành dự án thu thập cơ sở dữ liệu dân cư trên địa bàn TP.Hà Nội, đưa ra rất nhiều thông tin vượt cả quy định hiện tại là việc làm thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng người dân và các cơ quan chức năng khác. Hậu quả của việc này, có thể là thu thập thừa thông tin hoặc thu thập không đúng quy trình dẫn đến thông tin không đảm bảo chính xác, khoa học”- một chuyên gia pháp lý nhận xét.
Trái luật, có quyền từ chối!
Một trong những yêu cầu cơ bản của việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định trong Nghị định 90/2010/NĐ-CP là phải bảo vệ thông tin đời tư cá nhân. Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng quy định rõ quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Do đó, việc các cơ quan, tổ chức yêu cầu người dân cung cấp những thông tin ngoài 22 danh mục đã được chuẩn hóa tại Nghị định 90/2010/NĐ-CP của Chính phủ là vi phạm quy định về thu thập thông tin cá nhân. Theo Khoản 5 Điều 14 Nghị định 90 thì công dân được từ chối yêu cầu về cung cấp dữ liệu nếu trái với quy định của Nghị định 90 và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Đại tá Vũ Xuân Dung - Cục trưởng Cục Cảnh sát Đăng ký quản lý cư trú và dữ  liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) cho biết, hiện nay, Bộ Công an đang được giao sửa đổi Nghị định 90/2010/NĐ-CP và đang trong giai đoạn lấy ý kiến của các ngành. Đã có ý kiến  tham gia, góp ý cho rằng nên bớt đi những đầu mục thông tin so với quy định hiện nay, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên tăng thêm. "Chúng tôi đang tổng hợp các ý kiến", Đại tá Vũ Xuân Dung cho biết.

Đọc thêm