Đăng ký biện pháp bảo đảm là quyền của công dân trong xã hội hiện đại

(PLO) - Chiều 23/6, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm. Đây là một nghị định hướng tới đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký, qua đó tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện đăng ký, tiếp cận nguồn vốn, giải ngân nhanh, kịp thời.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc.

Tại Điều 292 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định 9 biện pháp bảo đảm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ lần lượt bao gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp và cầm giữ tài sản. Như vậy, so với BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 đã bổ sung thêm hai biện pháp bảo đảm mới là bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản. 

Đặc biệt, BLDS năm 2015 đã có cách tiếp cận mới về đăng ký biện pháp bảo đảm, tạo tiền đề và nền tảng pháp lý quan trọng cho việc hoàn thiện pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm và đổi mới hệ thống đăng ký. Theo đó, đổi mới từ đăng ký là “nghĩa vụ” của công dân sang đăng ký là “quyền” của công dân trong xã hội hiện đại… Vì vậy, việc xây dựng dự thảo Nghị định trên là hết sức cần thiết, thay thế cho Nghị định số 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm.

Qua rà soát pháp luật hiện hành, Thường trực Tổ biên tập cho biết, dự thảo Nghị định dự kiến quy định các biện pháp bảo đảm phải đăng ký (là trường hợp đã được một số Luật quy định cụ thể) gồm thế chấp quyền sử dụng đất; thế chấp rừng sản xuất là rừng trồng; cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; thế chấp tàu biển. Ngoài ra, sẽ quy định trường hợp biện pháp bảo đảm đăng ký theo yêu cầu là thế chấp động sản trừ tàu bay, tàu biển; thế chấp tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu.

Về xác định thời điểm đăng ký, dự kiến sửa đổi phù hợp với các luật liên quan theo hướng xác định thời điểm ghi vào sổ đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc sổ có nội dung về đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó, quy định thời điểm đăng ký được tính theo đơn vị thời gian nào, có căn cứ vào loại tài sản không cũng như thời điểm đăng ký thay đổi do bổ sung tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất quốc tế…

Các đại biểu tham dự cuộc họp đề nghị dự thảo Nghị định không nêu lại các quy định BLDS và những văn bản pháp luật liên quan khác, tăng cường thêm nhiều quy định nhằm giảm thiểu chi phí, khắc phục cơ chế “xin – cho”.

Trong quá trình nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định, nhiều ý kiến phản ánh về những nội dung chưa phù hợp của Nghị định số 83 với BLDS năm 2015 và đặt ra hàng loạt vấn đề như các biện pháp bảo đảm mới được bổ sung trong BLDS năm 2015 có được đăng ký hay không; các biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba có cần thiết phải đăng ký không?…

Hay trong trường hợp bên nhận bảo đảm vẫn có nhu cầu đăng ký, có thực hiện đăng ký hay không? Trường hợp đăng ký thì thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba sẽ được xác định là thời điểm nào?

Nhấn mạnh vai trò của dự thảo Nghị định trong việc áp dụng chung về lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu dự thảo Nghị định phải minh bạch tối đa quy trình, thủ tục.

Trong điều kiện chưa “gom” được cơ quan đăng ký thì phải xây dựng được quy trình thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tìm hiểu, vận dụng các quy định này. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng yêu cầu làm kỹ việc rà soát, báo cáo đánh giá tổng kết, đảm bảo tính đồng bộ của dự thảo Nghị định với Hiến pháp năm 2013, BLDS năm 2015 với tinh thần chủ đạo “không để Nhà nước trở thành một bên của giao dịch”.

Đọc thêm