Dậy sóng dư luận vụ vườn hoa và nồi cháo

(PLO) - Cho dù những hành vi ứng xử trong xã hội có bị “biến thiên” như thế nào thì đạo lý truyền thống vẫn không hề thay đổi, bao giờ nhân dân cũng phân biệt được cái gì đúng, cái gì sai, đồng cảm hay phản cảm, giả dối hay trung thực.
Ảnh từ internet
Ảnh từ internet

Không chỉ là chuyện hoa khi cái gọi là Lễ hội Hoa hồng Bungari ở Hà Nội có cả hoa giả và hoa héo, quảng cáo rất hấp dẫn nhưng thực tế thì gây thất vọng rất nhiều. Cũng liên quan tới hoa, hình ảnh một phụ nữ với cành mai anh đào vừa bẻ tại Đà Lạt cầm trên tay cũng gây nên một cơn “bão mạng”, cho dù đó là cành hoa sắp lìa thân đi chăng nữa thì động tác “vin cành, bẻ hoa” tự cổ chí kim trong văn chương là dành cho những hạng người thiếu tinh tế trong thú chơi, không chỉ đối với hoa.

Dư luận cũng tỏ thái độ với các động thái xử sự có phần thô bạo, cứng nhắc, thiếu tình, kém lý của những người thực thi công vụ. Những hình ảnh cãi cọ với Cảnh sát giao thông được chia sẻ rất nhiều trên mạng và lời bình với sự phê phán đã chứng tỏ điều này.

Những động thái tương tự phản ảnh trên báo chí cũng có sức lan tỏa hết sức mạnh mẽ trong cộng đồng mạng. Ví dụ, chuyện 4 người già đánh bài ăn gà ở Cà Mau bị bắt và phạt tiền hoặc người đàn ông đi đường chở ngoại tệ với số lượng lớn bị thu giữ thu hút sự quan tâm rất lớn đối với việc xử lý của cơ quan pháp luật với các vụ việc này. Công an xã đã phải xin lỗi 4 người già khi ép buộc cho họ hành vi “đánh bạc” và người đàn ông đã được trả lại tiền sau khi làm rõ nguồn gốc chính đáng của số ngoại tệ kia!

Những diễn biến trên đây cho thấy dư luận đã “giám sát” chặt chẽ như thế nào đối với các hành vi phản cảm xảy ra trong đời sống xã hội, đặc biệt đối với các “chủ thể” của hành vi đó là cán bộ nhà nước. Dư luận không thể chấp nhận một chiếc biển xanh đi ngược chiều, đỗ vào chỗ cấm hoặc lãnh đạo ngồi trên chiếc xe hạng sang vượt tiêu chuẩn do doanh nghiệp “tặng” và đã được hợp pháp hóa bằng biển xanh. Tương tự, dư luận phản ứng, không đồng tình, thậm chí chê trách đối vơi các trường hợp “vin cành, bẻ hoa” hay trộm cắp trứng vịt.

Ở một chiều hướng ngược lại, dân mạng cổ vũ cho những hành vi đẹp, đáng trân trọng, khuyến khích và nhân rộng. Đó là hình ảnh của những tủ đựng đồ ở Hà Nội “ai thừa thì cho, ai thiếu thì nhận”, những tủ bánh mỳ miễn phí trên đường phố TP Hồ Chí Minh hoặc những người sửa xe miễn phí.

Mới đây, hình ảnh “nồi cháo của người tốt” đã được dân cư mạng chia sẻ rất nhiều. Đó là nghĩa cử của đôi vợ chồng già cạnh bệnh viện Sóc Trăng, mỗi buổi sáng hàng ngày họ đều chuẩn bị nước nóng, cháo trắng hoặc cháo thịt cấp miễn phí cho người nhà bệnh nhân đến nhận.

Cho dù những hành vi ứng xử trong xã hội có bị “biến thiên” như thế nào thì đạo lý truyền thống vẫn không hề thay đổi, bao giờ nhân dân cũng phân biệt được cái gì đúng, cái gì sai, đồng cảm hay phản cảm, giả dối hay trung thực. Chính điều này đã giữ cho đời sống tinh thần cân bằng với niềm tin cái xấu, cái ác sẽ bị trừng phạt và người ở hiền sẽ gặp lành.

Đọc thêm