Đề xuất cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu

(PLVN) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, những cải cách trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng là tạo dư địa cho tăng trưởng,
Địa điểm tập kết kiểm tra hàng hóa ở cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn). Ảnh:haiquanvungtau.gov.vn
Địa điểm tập kết kiểm tra hàng hóa ở cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn). Ảnh:haiquanvungtau.gov.vn

Chiều 19/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với các Bộ, cơ quan liên quan về việc xây dựng dự thảo Đề án "Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu" theo Nghị quyết 99/NQ-CP và 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng nhận định, trong thời gian qua nhiều bộ tích cực cải cách. Tuy nhiên, đến nay, công tác kiểm tra chuyên ngành vẫn tồn tại những bất cập.

Bên cạnh đó dù quyết liệt nhưng còn tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành (KTCN), có mặt hàng vẫn còn 2-3 cơ quan kiểm tra gây tốn kém về thời gian, chi phí thủ tục.

Trong khi đó thời gian lãng phí này có thể sản xuất ra nhiều sản phẩm, những hiệu quả thấp này dồn lại là doanh nghiệp phải gánh chịu. Địa điểm KTCN chung có nhưng hiệu quả rất thấp.

Từ những tồn tại có thể nhận diện được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là quyết liệt cải cách; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác KTCN. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng nhấn mạnh, những cải cách này theo chỉ đạo của Thủ tướng là tạo dư địa cho tăng trưởng, vì vậy đề nghị các bộ, cơ quan ủng hộ để tạo điều kiện về công tác cải cách, vẫn kiểm tra được chất lượng hàng hóa và tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu.

Vì vậy, tại Nghị quyết số 99/NQ-CP, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án : "Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra thực phẩm hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu" nhằm cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh cần bước đi đúng, trúng, thận trọng nhưng phải nhanh, không gây khó khăn, co kéo cục bộ khi xây dựng Đề án.

Đánh giá tình hình, tiến độ, kết quả triển khai các nội dung trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết VPCP sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến tại hội nghị, tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp... để hoàn thiện đề án, báo cáo Chính phủ theo đúng tiến độ của Nghị quyết số 99/NQ-CP.

Qua thống kê cho thấy, tỉ lệ tờ khai kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa nhập khẩu đã giảm dần theo từng năm (Tỉ lệ tờ khai KTCN/tổng số tờ khai trong các năm 2015 - 2018 lần lượt là 25,93%; 23,24%; 20,36%; 20,19%. Riêng trong năm 2019 rút xuống còn 19,1% tỉ lệ hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành).

Đối với 1.501 mặt hàng chồng chéo, các Bộ, ngành đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xử lý như: Bộ Y tế ban hành thông tư xử lý 610 mặt hàng về dược liệu; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành 2 Thông tư để cải cách những chồng chéo trong lĩnh vực nông nghiệp...

Đọc thêm