Dự án tỷ đô khiến dư luận bàng hoàng

(PLO) - Dự án tỷ đô dọc sông Hồng – gọi tắt là Dự án sông Hồng (DASH) đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của công luận.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

DASH là dự án giao thông đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện. Theo dự án này, từ “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” sẽ làm nhiệm vụ giao thông đường thủy, phát điện, tích nước thủy lợi... Dự án đã chính thức được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) trình Thủ tướng xem xét chủ trương đầu tư.

Chúng ta đang ở thời kỳ “văn minh đầu tư” nên cứ thấy tỷ đô đầu tư là phấn khởi cả làng trên, làng dưới. Câu hỏi được các chuyên gia và công luận phản biện là hiệu quả kinh tế như thế nào, ai được lợi và sự đánh đổi về môi trường như thế nào. Vấn đề này làm dư luận giật mình sau câu chuyện “biển chết bí ẩn” và ngập mặn, hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Sông Cái – sông Hồng liệu bị giết chết nốt không?. Lo lắng là có lý khi theo dự án, sông Hồng sẽ bị chặn làm 6 khúc. Theo một chuyên gia, nếu làm được đường thủy thuận lợi, tăng được vận tải giảm gánh nặng cho đường bộ, giảm chi phí, giảm ô nhiễm... là điều rất tốt. Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo: cần có sự tham vấn nhân dân bởi đây là dự án liên quan đến hàng triệu người. Thủy điện vào, phù sa ít, nông nghiệp vùng châu thổ sông Hồng sẽ như thế nào?.

Phải nói là “các bộ đồng thuận” nhưng dư luận thì bàng hoàng. Họ bất ngờ khi có ý tưởng làm thủy điện trên sông Hồng. Nhiều năm qua chúng ta đã thành công trong việc “giết chết” nhờ “áp dụng” việc xả thải công nghiệp vô tội vạ và “băm nát” các dòng sông để làm thủy điện. 

Ai cũng biết, sông Hồng đã trở thành một phần xương thịt của những miền đất nó đi qua, của bao thế hệ, của mỗi con người từng gắn bó máu thịt với nó. Mỗi người lại có một sông Hồng của riêng mình. Sông Hồng đã góp phần kiến tạo nên nền văn minh sông Hồng. Đó là nền văn minh được tạo lập từ đầu Thiên niên kỷ thứ II trước Công nguyên đến cuối thế kỷ XV, đang ngày một có nhiều sự quan tâm của các học giả xã hội và các nhà khảo cổ học trong cũng như ngoài nước.

Liệu nền văn minh đó có bị “bóp chết” bởi một dự án?.

Theo nhiều nhà khoa học chuyên ngành, ngoài việc lập Hội đồng độc lập nhà nước, phải lấy ý kiến của cơ quan tư vấn quốc tế độc lập về tác động của dự án chứ không thể đưa ra đánh giá tác động sơ sài rồi để dự án thực hiện. Điều này quả lo ngại khi “văn minh copy và dán” đang trở thành vấn nạn trong chính các cơ quan xây dựng và thẩm định dự án. Dù phát triển kiểu gì nhưng sự bền vững của sông Hồng và sự trường tồn của văn minh sông Hồng phải được bảo vệ!.

Đọc thêm