Tầm cao vị thế Việt

(PLO) - Theo quy luật thiên nhiên, một năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân được coi là mùa sinh sôi, phát triển nhất trong năm. Và thật lạ kỳ, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta, nhiều sự kiện trọng đại diễn ra vào mùa xuân. Thời đại Hồ Chí Minh không ngoại lệ.
Tầm cao vị thế Việt
Đảng thành lập vào mùa Xuân, ngày 3 tháng 2 năm 1930. Xuân năm 1941, Bác Hồ trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Giữa núi non trùng điệp, muôn hoa đua sắc và lòng người rưng rưng, lắng đọng thời khắc Người đặt bước chân đầu tiên lên đất Mẹ tại cột mốc 108 (Pác Bó - Cao Bằng) trong sắc hoa xuân rực rỡ sau bao năm xa Tổ quốc. 
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, một Đảng mới 15 tuổi đã cùng nhân dân vùng lên Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, giành lại nền độc lập, tự do, đưa đất nước ta thoát khỏi “đêm trường nô lệ”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 
Bốn mươi mốt năm sau, ngày 30/4/1975 đất nước hoàn toàn thống nhất với chiến thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ đó cả nước bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và Chủ nghĩa xã hội.
Sang Xuân Bính Thân này, đất nước tròn 30 năm đổi mới, kể từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI năm 1986 của Đảng. Chúng ta đã đạt được những gì sau 30 mùa xuân đổi mới? Phải nói rằng, về tổng thể đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội Chủ nghĩa. 
Qua 30 năm đổi mới, đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hoá - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. 
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Trong thành tựu chung đó, ngành Tư pháp đã và đang từng bước nâng tầm nhận thức lí luận, đổi mới tư duy chính trị - pháp lý trong việc nghiên cứu, đề xuất và tham gia xây dựng các chiến lược quốc gia về pháp luật, tư pháp... nâng cao tính dự báo và chất lượng của các chương trình lập pháp, lập quy cũng như hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, nghề tư pháp; trở thành cơ quan tham mưu tin cậy của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện đường hướng phát triển lĩnh vực pháp luật và tư pháp của đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế... 
Ngành Tư pháp đã huy động khá hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội bằng việc thực hiện nhất quán và kiên trì chủ trương xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp với những bước đi thận trọng, lộ trình phù hợp, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc và ngày càng ổn định của các nghề luật sư, công chứng, đồng thời, bước đầu phát triển nghề đấu giá viên, thừa phát lại, quản tài viên... qua đó, đảm bảo lợi ích hài hoà của cả 3 khu vực: kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền và xã hội, bao gồm nhiều đối tượng hưởng chính sách, người nghèo, người dễ bị tổn thương được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước.
Và như một sự sắp đặt ngẫu nhiên khi trước thềm đổi mới, ngày 10 tháng 7 năm 1985 Báo Pháp Luật Việt Nam ra đời. Hơn 30 năm qua, Báo đã phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp truyền thông pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ năm 2011 đến nay, Pháp Luật Việt Nam đã trở thành tờ báo có số lượng ấn phẩm đa dạng - đồng nghĩa với sự lan tỏa rộng rãi trong công chúng bạn đọc tư tưởng, triết lý mà người làm báo Pháp Luật Việt Nam đã lựa chọn. Đó là những đóng góp đáng kể, tích cực.
Những thành tựu đó tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2016 – 2020 sẽ diễn ra trong mùa xuân này. 5 năm tới, đất nước sẽ như thế nào? Chắc chắn phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trên cơ sở 4 trụ cột lớn là tăng trưởng kinh tế phải cao hơn, bền vững hơn; phát triển văn hoá, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống người dân, lấy con người là mục tiêu, là trung tâm của sự phát triển; bảo vệ và cải thiện môi trường sống tốt hơn; bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 
Cùng với đó là nhất quán thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược là tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường và thể chế xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; phát triển giáo dục - đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới và đẩy mạnh hội nhập quốc tế; huy động tối đa nguồn lực trong nước và ngoài nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, tiên tiến, hiện đại. Đây là những chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong lần tiếp xúc với cử tri thành phố Hải Phòng đầu tháng 12/2015.
Để đạt được những mục tiêu phát triển đó, hơn hết, đất Mẹ Việt Nam cần hòa bình và ổn định, muốn đóng góp tích cực hơn vì hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới. Chúng ta đã gửi đến thế giới thông điệp “đẩy mạnh tạo dựng lòng tin chiến lược, duy trì hòa bình và ổn định”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 26 tháng 11 năm 2015 tại Phrăng-phuốc (Đức) đã nhấn mạnh: “Hòa bình và phát triển là lợi ích chung của các nước trong khu vực; đi ngược lợi ích này là đẩy lùi lịch sử”, Chủ tịch nước cho rằng, châu Á - Thái Bình Dương cần có một cấu trúc an ninh khu vực toàn diện và hiệu quả, được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích của nhau; các nước ứng xử và hành động có trách nhiệm; giải quyết các bất đồng, các tranh chấp lãnh thổ, trong đó có vấn đề biển Đông, bằng biện pháp hòa bình thông qua đối thoại, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. 
Chủ tịch nước nhấn mạnh, tiềm năng và sự sáng tạo đang mở ra những vận hội mới cho các nước châu Á tiếp tục phát triển, thịnh vượng trong thế kỷ 21 và khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp cùng với nhân dân các nước vào củng cố hòa bình, ổn định và sẽ tập trung mọi nguồn lực thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên Hợp quốc.
Chúng ta đề cao nguyên tắc hợp tác và phát triển.
Tại Diễn đàn Hội nghị Thế giới các Chủ tịch Quốc hội lần thứ tư diễn ra vào cuối tháng 8/2015 tại trụ sở Liên Hợp quốc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Việt Nam luôn cho rằng để đảm bảo dân chủ trong quan hệ quốc tế, các nước cần tôn trọng và nêu cao vai trò của hợp tác quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế trong giải quyết các vấn đề vướng mắc giữa các quốc gia. 
Với mong muốn gìn giữ hòa bình, Việt Nam luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp quốc, của luật pháp quốc tế, cam kết không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, vì lợi ích và an ninh chung của khu vực và trên toàn thế giới. Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực, đe dọa sử dụng vũ lực, khủng bố trên toàn cầu.
Trong không khí mùa xuân, có lẽ tấm lòng người dân Việt dành cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII sắp diễn ra sự quan tâm và kỳ vọng đặc biệt. 
Tại lần tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ngày 8/12/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Điều đặc biệt lo lắng của nhân dân là làm sao giữ cho được bản chất cách mạng trong sáng của Đảng, của bộ máy nhà nước”, “Cho nên phải giữ Đảng vững mạnh, đất nước phát triển thì dân tộc mới trường tồn. Thế thì đảng viên, cán bộ phải gương mẫu trước, hệ thống chính trị phải trong sạch, vững mạnh. Tuyến cơ sở phải vững chắc, ở đó mà có chuyện gì thì là từ gốc rễ rồi”. Tổng Bí thư lại quay về câu chuyện con người: Cán bộ là quyết định. Bác Hồ nói rồi, cán bộ là gốc, có đức, có tài, đức là gốc.
Mùa Xuân lại về trên đất Mẹ Việt Nam!
Âm hưởng của mùa xuân, của đất nước như căng tràn trong máu nóng. “Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi/Dịu dàng trong tiếng ru hời/Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi/Trầm sâu trong tiếng đất trời/Tôi nghe trong lời yêu nhau/Tôi nghe trong lời tha thiết/Phút hành quân, mẹ tiễn đưa con/Giai điệu nhớ, giai điệu thương theo suốt con đường” (Giai điệu Tổ quốc – Trần Tiến). Đúng thế, đối với mỗi con dân nước Việt dù ở trong nước hay kiều bào ở nước ngoài, đại giao hưởng hùng thiêng của núi sông này, người mẹ Tổ quốc này luôn là sự thiêng liêng để đưa vị thế Việt Nam lên tầm cao mới! 

Đọc thêm