Dự kiến tăng trưởng GDP cả năm 2019 ở mức 6,78%

(PLVN) - Hôm qua (8/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp phiên thứ 34, cho ý kiến Báo cáo bổ sung về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 của Chính phủ. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Tệ nạn xã hội hiện ở mức đáng báo động

Tại phiên thảo luận, các ý kiến của UBTVQH đều cho rằng, Báo cáo của Chính phủ vẫn thiên nhiều về vấn đề kinh tế, còn các vấn đề xã hội đã bộc lộ mà chưa được đề cập một cách thích đáng. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, vấn đề tệ nạn xã hội hiện ở mức đáng báo động khi những vụ án bắt ma tuý, số lượng lên tới cả tấn.

Vấn nạn lái xe sử dụng ma tuý gây tai nạn, nhiều vụ án mạng kinh hoàng, người lương thiện chết oan… thể hiện sự liên quan rất rõ với tệ nạn ma tuý. Bạo lực học đường, xâm hại trẻ em cũng đang nóng lên. “Tôi đề nghị tới đây Quốc hội có nghị quyết, yêu cầu phải xử lý, kéo giảm những bức xúc xã hội ngay, bằng những chế tài mạnh, gắn với trách nhiệm chính trị của người đứng đầu các cơ quan quản lý”, ông Giàu nói.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, vấn đề ma tuý chưa bao giờ kinh khủng như hiện nay khi những vụ án đã bắt được hơn 1 tấn chất cấm. Nhưng đó vẫn được đánh giá chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Việc quản lý người nghiện ma tuý, đặc biệt ma tuý đá cũng chưa thực chất, Chính phủ cần báo cáo kỹ hơn hoặc có báo cáo riêng. Cùng với đó, những vụ án giết người thời gian gần đây diễn ra rất nghiêm trọng, nhất là những vụ giết người thân, giết nhiều người mà có nhiều vụ việc là do nguyên nhân “ngáo đá”.   

Băn khoăn về vấn đề xử lý gian lận thi cử, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, việc xử lý, giải quyết vụ gian lận thi cử THPT quốc gia được đề cập chỉ 1 câu trong báo cáo của Chính phủ.

Trong khi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi thẩm tra báo cáo này đã nhắc đi nhắc lại yêu cầu cần xác định rõ các trường hợp sai phạm trong công tác tổ chức thi, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, nhất là sự tiếp tay, vi phạm của công chức, cán bộ trong ngành giáo dục hoặc giữ chức vụ quản lý ở địa phương.

“Khi đặt ra vấn đề sai phạm trong thi cử, có thể thấy việc này không  chỉ đơn cử xảy ra ở một vài cán bộ quản lý, ở một vài địa phương khi số lượng thí sinh bị kết luận có gian lận, can thiệp nâng điểm lên đến hàng trăm em. Nếu không làm rõ việc này sẽ dẫn đến nhận thức sai lệch về chế độ thi cử của chúng ta, dẫn đến cuộc đua tiêu cực ở các địa phương”, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nêu quan điểm.

Dư luận, cử tri bức xúc việc tăng giá xăng, giá điện

Nêu vấn đề tăng giá điện, bà Lê Thị Nga cho biết, hiện nay, dư luận, cử tri bức xúc việc tăng giá xăng, giá điện và rất hoanh nghênh Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ kiểm tra; Bộ Công Thương cũng có đoàn kiểm tra về vấn đề này.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, vấn đề là lâu nay, dư luận vẫn hoài nghi về tính minh bạch của quản lý điện và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Do đó, Chính phủ cần kiểm tra để giải đáp cho dư luận, cử tri.

Bà Nga cho rằng, Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN chọn thời điểm tăng vào thời gian nóng nhất, người tiêu dùng dùng điện nhiều nhất, cộng với việc càng dùng nhiều giá càng cao, thì dư luận yêu cầu phải trả lời câu hỏi tại sao tăng vào thời điểm dùng nhiều nhất? “Chúng tôi chưa có đánh giá, nhưng đề nghị phải kiểm tra để trả lời dư luận”, bà Nga đề nghị.

Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, vấn đề tăng giá điện “đơn giản” vì Thủ tướng đã có quyết định về khung và lộ trình tăng giá điện, cơ chế tính giá điện cũng đã có. Vấn đề hiện nay là xem điều hành giá điện có đúng các quyết định đã được Thủ tướng ban hành hay không để công bố cho nhân dân yên tâm.

“Tôi đi tiếp xúc cử tri, tôi nói là chắc chắn việc tăng giá này Bộ Công Thương phải thực hiện theo đúng cơ chế và báo cáo Chính phủ, chứ làm sao Bộ Công Thương dám làm hay một mình EVN tự làm được?”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề. Do đó, theo Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ phải lên tiếng giải thích, chứ không chỉ công bố lập đoàn thanh tra.

Tăng trưởng GDP quý 1/2019 là 6,79%

Trình bày Báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế tiếp tục được cải thiện nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại, cả ba khu vực kinh tế đều phát triển theo xu hướng chậm hơn cùng kỳ năm trước. Chính phủ nhận định nếu các quý còn lại của năm nay đều đạt mục tiêu kịch bản đề ra, dự kiến tăng trưởng GDP cả năm 2019 ở mức 6,78%.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra như trên, Chính phủ đề nghị trong những tháng tới, các bộ, ngành và địa phương phải hết sức nỗ lực, cố gắng, tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phấn đấu thực hiện không thấp hơn mục tiêu đề ra, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng phải đạt cao hơn.

Bên cạnh việc đạt kết quả đạt được, Báo cáo Chính phủ cũng nhận định tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác điều hành và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của chính sách tiền tệ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức do độ mở của nền kinh tế lớn, khả năng chống chịu của nền kinh tế trong nước chưa thực sự vững chắc. 

Ngoài ra, việc quản lý, khai thác và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn nhiều lãng phí, không theo quy hoạch, vi phạm pháp luật; môi trường nước, không khí tại nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, lưu vực sông không bảo đảm an toàn.

Tình trạng, kỷ luật, kỷ cương một số nơi chưa nghiêm; tổ chức bộ máy còn cồng kềnh; phối hợp công tác giữa các ngành, các cấp hiệu quả chưa cao, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…

Đọc thêm