Đưa người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc cần thủ tục minh bạch, rõ ràng

(PLVN) - Như tin đã đưa, sáng nay (12/8), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày báo cáo tóm tắt về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) tại hiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2020.
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Sở LĐTB&XH Vĩnh Phúc
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Sở LĐTB&XH Vĩnh Phúc

Dự thảo Luật gồm 8 chương, 67 điều, so với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 tăng 11 điều, trong đó giữ nguyên 7 điều, sửa 47 điều và 13 điều quy định mới. Hiện còn có các ý kiến nhau như việc chấp hành hình phạt tù trong khi đang cai nghiện bắt buộc, quy định về trình tự, thủ tục đưa người nghiện từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc… trong dự thảo Luật.

Góp ý dự thảo, đa số ý kiến thành viên Chính phủ cho rằng, người đang cai nghiện ma tuý bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy mà bị phát hiện thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu bị tòa án xử phạt tù thì người đó được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Luật nên giao Chính phủ quy định chi tiết việc lập hồ sơ đưa người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy công lập để cai nghiện ma túy bắt buộc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy công lập để cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tại TAND.

Đánh giá về dự thảo Luật trên cơ sở góp ý của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quy trình cai nghiện ma túy bắt buộc cần minh bạch, rõ ràng, với trình tự thủ tục bảo đảm thận trọng, khách quan, chặt chẽ, đặc biệt khi áp dụng biện pháp này đối với người dưới 18 tuổi.

Đồng thời, dự thảo Luật cần được xây dựng "làm sao tạo khung pháp lý không quá cứng để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng chống ma túy" - Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng lưu ý, dự thảo Luật cần nhấn mạnh việc hợp tác quốc tế trong phòng chống ma túy vì nhiều đối tượng tìm cách xâm nhập Việt Nam, không chỉ biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ mà còn là nơi trung chuyển, chế biến ma túy.

Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật, báo cáo Thủ tướng trước khi trình Quốc hội.

Đọc thêm