Giám định gene để trả tên cho liệt sĩ

 Trên đất nước ta, có đếm được không số lượng các gia đình từng có người thân ra trận? Đến nay, còn rất nhiều những gia đình chưa tìm được hài cốt người thân của mình ở những chiến trường xa thẳm. Hội hỗ trợ Gia đình liệt sĩ Việt Nam ra đời cũng xuất phát từ một tấm lòng tri ân với đồng đội như thế...

Trên đất nước ta, có đếm được không số lượng các gia đình từng có người thân ra trận? Đến nay, còn rất nhiều những gia đình chưa tìm được hài cốt người thân của mình ở những chiến trường xa thẳm. Hội hỗ trợ Gia đình liệt sĩ Việt Nam ra đời cũng xuất phát từ một tấm lòng tri ân với đồng đội như thế...

Mệnh lệnh từ trái tim

Trung tướng Lê Văn Hân - Chủ tịch Hội hỗ trợ Gia đình liệt sĩ Việt Nam (HTGÐLS VN) nhận định: “Mặc dù chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ nhưng những hậu quả mà nó để lại hết sức nặng nề, nhất là với gia đình các liệt sĩ. Hàng chục vạn gia đình hiện vẫn đang ngóng chờ người thân; hàng chục vạn ngôi mộ liệt sĩ vẫn chưa có tên. Bởi thế, hoạt động tri ân liệt sĩ không chỉ mang ý nghĩa xã hội “Uống nước nhớ nguồn”, mang tính nhân văn sâu sắc, mà đó còn là mệnh lệnh từ trái tim mỗi chúng ta”.

Trung tướng Lê Văn Hân cũng cho biết: “Gần 1 năm qua, với phương châm thực hiện xã hội hóa công tác HTGĐLS, Hội HTGÐLS VN đã tư vấn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cho hàng nghìn gia đình, hỗ trợ tham gia tìm kiếm, di chuyển, đón hàng trăm hài cốt liệt sĩ về quê nhà. Hội đã xây mới hơn 40 ngôi nhà tình nghĩa, tặng gần 100 sổ tiết kiệm và hàng trăm suất quà tặng các gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Ông Lê Văn Hân - Chủ tịch Hội HTGĐLSVN - bàn giao kết quả giám định ADN đúng cho anh Đoàn Văn Khu - cháu của Liệt sĩ Đoàn Hồng Vinh (quê Ninh Giang, Hải Dương)
Ông Lê Văn Hân - Chủ tịch Hội HTGĐLSVN - bàn giao kết quả giám định ADN đúng cho anh Đoàn Văn Khu - cháu của Liệt sĩ Đoàn Hồng Vinh (quê Ninh Giang, Hải Dương)

Ðặc biệt, Hội đã tiếp nhận và hướng dẫn hàng nghìn gia đình liệt sĩ về phương pháp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn thất lạc danh tính... Và chỉ riêng dịp tháng 7 này, Hội HTGÐLS Việt Nam trao 20 ngôi nhà tình nghĩa, tặng 20 gia đình liệt sĩ có nhiều khó khăn; trao 45 sổ tiết kiệm, giám định ADN 40 mẫu, hỗ trợ tìm kiếm, quy tập 20 hài cốt liệt sĩ và trao 20 suất học bổng tặng con, em liệt sĩ vượt khó học giỏi... Nhân dịp này, nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hội Hội số tiền hơn 5,5 tỷ đồng”.

Tại buổi giao lưu Tri ân liệt sĩ mới đây, Thượng tá Trần Hữu Lưu - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đội trưởng Đội quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Quảng Trị xúc động kể lại hành trình cùng đồng nghiệp đi tìm hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Lào. 15 năm qua, Thượng tá Lưu và những đồng nghiệp của mình đã đưa được 2.168 hài cốt liệt sĩ trở về quê hương.

Còn chị Trần Thị Thanh - giáo viên Trường tiểu học Phú Cường (Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ về hành trình 27 năm đi tìm cha là Liệt sĩ Trần Văn Bảo, hy sinh ngày 15/12/1972 tại mặt trận phía Nam. Suốt 27 năm qua, như một người đi “mò kim đáy bể”, chị Thanh đã qua hàng nghìn nghĩa trang để tìm kiếm hài cốt người cha thân yêu nhưng vẫn chưa có kết quả. Tới nay, chị mới có thông tin của một đồng đội của cha nói rằng phần mộ của ông hiện đang ở Tây Ninh, nhưng vẫn chưa xác định được có chính xác hay không.

Và trên đất nước hình chữ S của mình, có bao nhiêu người mẹ đi tìm con, người vợ đi tìm chồng, người con đi tìm bố giữa mênh mông như gia đình chị Thanh...

Đón các anh trở về sâu hơn 40 năm

Có thể nói, khi các liệt sĩ hy sinh, thân nhân chỉ nhận được giấy báo tử- thông tin duy nhất mà gia đình liệt sĩ biết được là ngày hy sinh của các anh. Nhưng hy sinh ở đâu? Phần mộ an táng ở đâu, liệt sĩ chiến đấu ở đơn vị nào vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp khi đa phần giấy báo tử mà đơn vị chỉ ghi ký hiệu, nơi hy sinh chỉ chung một dòng chữ: Mặt trận phía Nam - mà mặt trận này thì quá đỗi mênh mông. Và chỉ riêng trong tháng 6 vừa qua, Hội đã hỗ trợ được 8 gia đình xác định được ADN với số tiền 9,5 triệu đồng/mẫu.

Anh Đoàn Xuân Khu (ở Hà Nội) cho biết, mới đây gia đình anh đã đưa được hài cốt của  chú ruột anh là Liệt sĩ Đoàn Hồng Vinh hy sinh từ năm 1968 khi mới 19 tuổi, với thông tin duy nhất là hy sinh tại chiến trường miền Nam. Vì bố anh là con trưởng nên gia đình đã nhiều lần đi tìm. Thế nhưng, kết quả đều bặt vô âm tín. Mãi tới cuối năm vừa rồi, gia đình mới xác định được Liệt sĩ hiện đang ở tại Nghĩa trang Đồng Xoài. Nhờ có thông tin trên mạng, gia đình anh Khu đã tìm tới Hội và được hỗ trợ xác định ADN. Với niềm vui khôn xiết, sau bao năm tìm kiếm, gia đình đã xác định được người thân của mình sau 43 năm hy sinh. Anh Khu cho biết, tháng 10 năm nay gia đình sẽ vào Đồng Xoài đón Liệt sĩ Vinh về quê hương.

Người em út và mẹ liệt sĩ Nguyễn Tuyển Quân sau nhiều năm tìm kiếm
Người em út và mẹ liệt sĩ Nguyễn Tuyển Quân sau nhiều năm tìm kiếm

Tương tự như vậy, gia đình Liệt sĩ Nguyễn Tuyển Quân (ở Bắc Ninh) cũng hy sinh tại Quảng Trị từ năm 1968. Gia đình hễ có thông tin nào của đồng đội đều đi tìm. Dù biết là ở Hướng Hóa - Quảng Trị, nhưng thời gian vật đổi sao dời, người em út của liệt sĩ đã không ngại trèo đèo lội suối, ai chỉ đâu đào xới đấy để tìm người anh cả nhưng không thấy. Và cuối năm vừa rồi, gia đình đã tìm được liệt sĩ ở một khe suối, nhưng xương cốt đã hòa vào đất đai, cây cỏ. Tuy nhiên, gia đình đã đưa chút đất còn lại về an táng tại quê nhà, người mẹ già của liệt sĩ năm nay đã 89 tuổi mới tạm yên lòng, nguôi ngoai sau hơn 40 năm người con cả nằm xuống ở tuổi 18, khi chưa một lần hò hẹn.

Ông Nguyễn Đình Thường - Tổng Thư ký Hội HTGĐLS - nhấn mạnh: “Trách nhiệm của Hội là vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí cho việc hỗ trợ giám định gene hài cốt liệt sĩ và đó cũng là nghĩa cử của những người đang sống, thể hiện đạo lý truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do cho tổ quốc”.

PGS.TS.Trương Nam Hải - Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học - xúc động nói: “Các cán bộ của Viện Công nghệ sinh học đều xác định rằng ngoài ý nghĩa khoa học, giám định gene hài cốt liệt sĩ còn là việc làm đền ơn đáp nghĩa, thể hiện lòng tri ân của thế hệ hôm nay với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc”.

Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2011), Hội HTGĐLS VN phát động “Tháng cao điểm tri ân liệt sĩ” với các hoạt động thiết thực: Đẩy mạnh việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; hỗ trợ các gia đình liệt sĩ xét nghiệm ADN để xác định danh tính “liệt sĩ chưa biết tên”; xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức dâng hương, thắp nến tưởng niệm ở 3.000 nghĩa trang liệt sĩ. Phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Lễ cử 9 hồi chuông tưởng niệm các liệt sĩ vào lúc 6h sáng 27/7/2011 trên tất cả các đền, chùa trong toàn quốc...

Hội HTGĐLS VN hy vọng những đóng góp về công sức, tiền của và việc làm “Đền ơn đáp nghĩa”; lòng biết ơn sự hy sinh cao cả của các anh hùng, liệt sĩ luôn luôn được hiện diện ở mọi lúc, mọi nơi trong xã hội ta, thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Uyên Na  

Đọc thêm