Giám sát, chất vấn những vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật

(PLO) - Hôm nay (20/12), UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của UBTVQH ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của QH, UBTVQH, Đoàn đại biểu QH.
QH thực hiện giám sát hoạt động của Chính phủ thông qua hoạt động chất vấn các thành viên Chính phủ tại Hội trường
QH thực hiện giám sát hoạt động của Chính phủ thông qua hoạt động chất vấn các thành viên Chính phủ tại Hội trường

Quy chế này được UBTVQH xây dựng nhằm mục đích thống nhất áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện, xử lý kết quả giám sát; giải quyết những vướng mắc thường gặp trong thực tế; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với hoạt động của các chủ thể giám sát.

Đề xuất từ 6 đến 8 chuyên đề giám sát

Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự thảo Quy chế cần có quy định cụ thể, thống nhất về trình tự, thủ tục thành lập và hoạt động của các đoàn giám sát, yêu cầu kết cấu nội dung các văn bản liên quan;

Phạm vi, trách nhiệm tham gia, phối hợp của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; Quy trình xây dựng, hoàn thiện báo cáo; trách nhiệm phối hợp, báo cáo của cơ quan chịu sự giám sát; công tác đảm bảo;

Đồng thời cần quy định sự tham gia của các Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan kiểm toán, thông tấn, báo chí; quy trình, thủ tục ban hành nghị quyết về kết quả giám sát. 

Theo đó, chuyên đề giám sát của QH, UBTVQH được lựa chọn theo các tiêu chí ưu tiên là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, được đại biểu QH, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc tổng kết thi hành pháp luật; không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật mới có hiệu lực thi hành dưới 12 tháng tính đến thời điểm đề xuất;

Không trùng với các chuyên đề giám sát đã được QH, UBTVQH tiến hành giám sát trong khoảng 2 năm tính đến thời điểm đề xuất; Đảm bảo cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; Phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của QH.

Tổng Thư ký QH lấy ý kiến và đề xuất từ 6 đến 8 chuyên đề giám sát trình UBTVQH để UBTVQH cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của QH, UBTVQH tại phiên họp trước kỳ họp QH giữa năm.

Dự thảo quy định Đoàn giám sát của QH, UBTVQH có thể tổ chức các Đoàn công tác để tiến hành giám sát trực tiếp tại địa phương; số lượng không quá 5 Đoàn công tác. Mỗi Đoàn công tác có ít nhất 5 thành viên Đoàn giám sát tham gia. 

Dự thảo Quy chế quy định một trình tự chung đối với việc UBTVQH thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội và UBTVQH xem xét, quyết định chương trình giám sát của UBTVQH. 

Tuy nhiên, ông Phạm Trí Thức – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, khi thẩm tra dự thảo, Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc nội dung này vì cho rằng, việc kết hợp như vậy sẽ có khó khăn nhất định trong việc tách bạch về mặt trình tự, hồ sơ cũng như trách nhiệm của các chủ thể có liên quan.

Cá nhân trả lời chất vấn vấn đề thuộc trách nhiệm của mình

Nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp QH được lựa chọn theo các tiêu chí: là vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, được nhiều đại biểu QH, cử tri quan tâm;

Vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật; vấn đề chất vấn đã được người bị chất vấn trả lời bằng văn bản nhưng đại biểu QH không đồng ý với nội dung trả lời, được UBTVQH đồng ý trình QH xem xét cho trả lời tại kỳ họp QH;

Phù hợp với tổng thời gian tổ chức phiên họp chất vấn; Không chất vấn những vấn đề đã có trong nghị quyết về chất vấn và nghị quyết giám sát chuyên đề của QH, UBTVQH trong thời gian 12 tháng trước thời điểm chất vấn.

Người bị chất vấn được lựa chọn theo tiêu chí vấn đề chất vấn thuộc trách nhiệm của cá nhân nào thì cá nhân đó trả lời chất vấn; Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trách nhiệm cá nhân Thủ tướng Chính phủ;

Các Phó Thủ tướng trả lời các chất vấn thuộc trách nhiệm của các Phó Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực phụ trách.

Nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp UBTVQH được lựa chọn là những vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước được xác định tại kỳ họp trước đó và trong thời gian từ kỳ họp đến phiên họp có tổ chức hoạt động chất vấn;

Vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật; Không chất vấn những vấn đề đã có trong nghị quyết về chất vấn và nghị quyết giám sát chuyên đề của QH, UBTVQH trong thời gian 12 tháng trước thời điểm chất vấn. Phù hợp với tổng thời gian tổ chức phiên họp chất vấn.

Vấn đề chất vấn thuộc trách nhiệm của cá nhân nào thì cá nhân đó trả lời chất vấn; các cá nhân có liên quan trả lời làm rõ thêm những vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn được giao; Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực trả lời các chất vấn có liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Báo cáo thẩm tra cho biết, nhiều ý kiến của Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị UBTVQH cần quy định về giám sát của HĐND. Ủy ban pháp luật đề nghị UBTVQH giao Văn phòng Quốc hội tiếp tục nghiên cứu trình UBTVQH ban hành quy chế về tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.

Ủy ban pháp luật đề nghị không quy định trong dự thảo Quy chế một số nội dung quá cụ thể mang tính hành chính, kỹ thuật và tiếp tục xem xét, tiếp tục chỉnh lý một số nội dung quy định trong dự thảo Quy chế để phù hợp với thẩm quyền quy định của UBTVQH.

Đọc thêm