Hoàn thiện thể chế về xây dựng: Nhiệm vụ then chốt, xuyên suốt, đột phá

(PLVN) - Tại Hội nghị tổng kết công tác 5 năm 2016 - 2020 và dự kiến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác 5 năm tới của ngành Xây dựng, diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện thể chế về xây dựng; coi đây là vấn đề then chốt, xuyên suốt, đột phá.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Bộ Xây dựng chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Bộ Xây dựng chủ trì hội nghị.

Sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét trong nhiệm kỳ 5 năm qua, ngành Xây dựng đã có bước phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực, từ thiết kế đến thi công xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng phát triển với tốc độ nhanh theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu cả về khối lượng, chất lượng, chủng loại cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Doanh nghiệp xây dựng phát triển cả về số lượng và chất lượng, làm chủ được nhiều công nghệ tiên tiến với các loại hình khác nhau từ công trình ngầm dưới lòng đất cho tới các tòa nhà cao tầng thi công với các loại vật liệu, thiết bị, máy móc hiện đại. 

Thủ tướng dẫn đánh giá năm 2020 của GlobalData - công ty phân tích dữ liệu hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh - cho rằng bất chấp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có ngành xây dựng phát triển mạnh nhất khu vực châu Á. Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính đạt kết quả nổi bật.

Trong 5 năm, đã tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật (với 107 văn bản). Đặc biệt, thị trường bất động sản phát triển đúng hướng, trong nhiệm kỳ qua, không còn các biểu hiện cực đoan như phát triển nóng “bong bóng” hoặc trầm lắng, suy thoái.

Lĩnh vực bất động sản đã thu hút khoảng 4,5 triệu tỷ đồng vốn trong nước, trong 5 năm thu hút 17,5 tỷ USD vốn FDI, đóng góp 0,4 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP, chiếm khoảng 11% trong tổng thu ngân sách.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, sự phát triển của ngành xây dựng chưa tương xứng với tiềm năng. Đơn cử như lĩnh vực nhà ở của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chưa đạt mục tiêu đề ra, phân khúc nhà ở cho người lao động, công nhân là vấn đề cần quan tâm. Chất lượng một số đồ án quy hoạch còn thấp; tầm nhìn, công tác dự báo chưa hợp lý, còn tình trạng chưa thống nhất, chưa ăn khớp giữa cấp độ quy hoạch.

Ở một số địa phương, việc điều chỉnh quy hoạch đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ. Thậm chí có tình trạng chủ đầu tư và cơ quan quản lý ở địa phương “xé nát quy hoạch đã có”; dồn quá nhiều nhà cao tầng vào khu trung tâm, làm tắc nghẽn giao thông.

Hệ thống đô thị cả nước phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng còn thấp, chủ yếu là các đô thị loại nhỏ. Liên kết giữa các đô thị còn rời rạc, ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển tổng thể của vùng và các hành lang kinh tế.

Tập trung tháo gỡ thể chế

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhắc lại nội dung dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó xác định phương hướng của ngành xây dựng giai đoạn 2021-2025 là nâng cao năng lực ngành xây dựng, bảo đảm đủ sức thiết kế, thi công các công trình xây dựng hiện đại, phức tạp trong các lĩnh vực với mọi quy mô và có khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường hoạt động ra nước ngoài.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện thể chế về xây dựng là vấn đề then chốt, xuyên suốt, đột phá. Vì vậy, cần có thể chế để ngành xây dựng bung lên, phát triển đúng hướng, mạnh mẽ hơn, từ đô thị phát triển đến xuất khẩu xây dựng. 

Cùng với đó, nhiệm vụ bảo đảm an toàn về nhà ở cho người dân trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia chịu hậu quả nặng nề từ biến đổi khí hậu cũng phải được chú trọng. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng kết, đúc rút kinh nghiệm về triển khai xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam để chống lãng phí...

“Tóm lại thể chế nào để ngành xây dựng phát triển là câu hỏi lớn”- Thủ tướng đặt vấn đề, đồng thời yêu cầu Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố phải tập trung vào tháo gỡ thể chế, chứ không phải “nóng đâu, phủi đó”.

Nhắc lại chủ trương thay thế cát xây dựng, sử dụng tro xỉ các nhà máy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu không có vật liệu xây dựng thay thế thì sẽ thiếu cát nghiêm trọng, tình hình sạt lở lòng sông sẽ tiếp tục tái diễn. Do vậy, cần phát triển vật liệu xây dựng, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, bảo vệ môi trường, có sản phẩm đa dạng, có chất lượng; hạn chế tối đa việc xuất khẩu vật liệu xây dựng, sử dụng tài nguyên không có khả năng tái tạo như xi măng.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đặt vấn đề về xây dựng, phát triển nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, có bản sắc văn hóa và kiến trúc dân tộc; coi trọng kiến trúc đô thị, kiến trúc nông thôn. Đồng thời, xây dựng đội ngũ kiến trúc sư có tài năng, bản lĩnh và các công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị cao; xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030.

Chống tham nhũng và tiêu cực trong ngành Xây dựng cần tiếp tục đẩy mạnh, nhất là các chủ đầu tư, các nhà thầu. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn ngành Xây dựng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý xây dựng đô thị vì đô thị phát triển là xu hướng, là ngành kinh tế đô thị rất nổi tiếng.

Theo Bộ Xây dựng, trên thực tế đang tồn tại những “rào cản” trong phát triển nhà ở. Theo đó, cơ chế chính sách phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp thiếu đồng bộ và chưa đủ mạnh; một số điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường nên khó khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội – Bộ Xây dựng chỉ rõ.

Đọc thêm