Huyền thoại Thành cổ: Cuộc chiến sinh tử

(PLO) -Cuộc chiến đấu bảo vệ Thị xã và Thành cổ Quảng Trị chấm dứt vào đêm 15/9/1972, sau khi Ban chỉ huy Bảo vệ Thị xã quyết định rút quân về bên kia bờ Thạch Hãn. Sau 81 ngày đêm anh dũng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 
 Trung đoàn 95 phản công địch, bảo vệ Thành cổ tháng 8/1972.
Trung đoàn 95 phản công địch, bảo vệ Thành cổ tháng 8/1972.

Suốt 81 ngày đêm ấy, ngoài đối chọi với bom đạn và các thủ đoạn thâm độc của địch, cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng còn phải đối mặt với “kẻ thù thứ hai” nguy hiểm không kém, đó là thời tiết. 

Kẻ thù thứ hai

Trong bài viết “Chí khí anh hùng trong những ngày máu lửa”, Đại tá Nguyễn Hải Như - nguyên Tham mưu trưởng Ban chỉ huy Bảo vệ Thành cổ Quảng Trị - kể: “Khi đó, tuy vẫn giữ được trận địa nhưng ta cũng gặp nhiều khó khăn, chịu nhiều bom đạn và thương vong… Khó khăn này tăng lên gấp bội do bão lũ. Năm đó bão đầu mùa ở Quảng Trị đến sớm.

Ngày 28/7 có bão, nước ở sông Ba Lòng chảy xuống dồn về sông Thạch Hãn, làm ngập các hầm của ta. Thủy quân lục chiến địch cho đây là thời cơ thuận lợi và tổ chức tấn công. Hôm đó, địch tuyên bố sẽ bắn 2 vạn viên đạn vào thị xã - Thành cổ. Do địa hình thấp, nước ngập tràn vào, rồi hầm sập do đất nhão ra, bom đạn bắn không trúng mà hầm vẫn sập như thường.

Anh em vừa chiến đấu vừa phải tát nước trong hầm ra, tranh thủ củng cố. Đời sống thì cực kỳ khó khăn, hầu như chỉ có lương khô. Đợt mưa bão kéo dài đến ngày 3/8 mới tạnh”.

Sang tháng 9, địch chiếm được phía bắc chỗ Chợ Sải cạnh sông Thạch Hãn, phía nam đã tranh chấp với ta ở khu vực ngã ba đường sắt, cạnh đường 1 đi ra cầu Quảng Trị. “Quân số thực lại rất ít. Mỗi đại đội theo biên chế đủ 100 người, nhưng nhiều nhất chỉ được 40, khi đánh nhau chỉ còn được mươi tay súng do không thể bổ sung nhanh được vì các con đường di chuyển từ Bắc vào đều bị không quân địch khống chế”.

Bất chấp thời tiết bất lợi và cả hàng ngàn quả bom đạn của công phá, cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng vẫn kiên cường bám trụ, có nhiều phương thức để đối phó với các thủ đoạn thâm độc của địch, chiến đấu hết sức kiên cường, giành giật với địch từng góc hào, từng trận địa.

Đại tá Nguyễn Việt - nguyên Tham mưu trưởng Sư đoàn 325 - kể lại trong bài viết “Nhớ lại những ngày cuối bảo vệ thị xã Thành cổ Quảng Trị năm 1972”: Vào đêm 11/9, Đại đội 1, Tiểu đoàn địa phương 8 của ta tập kích diệt 40 lính ngụy, chiếm lại khu Mỹ Tây, nhưng hôm sau bị đối phương chiếm lại. Trên hướng Đông Bắc, địch liên tiếp lấn dũi vào các chốt Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 48.

Ta trụ bám, kiên cường đánh trả, giữ vững trận địa, nhưng đến chiều bị mất một vài chốt nhỏ ở Tri Bưu và đến 21 giờ địch áp sát chốt Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 ở Đông Bắc Thành cổ. Kết quả, ta diệt 218 binh sĩ đối phương, thu một số súng nhưng cũng bị thương vong trên 108 chiến chí.

Ngày 12/9, địch sử dụng 3 tiểu đoàn và 23 xe tăng xe bọc thép tiến công, lấn dũi trên cả ba hướng dưới sự yểm trợ của không quân, pháo mặt đất và pháo hạm Mỹ.

11 giờ, một mũi đại đội đối phương lọt vào góc Đông Nam Thành, nhưng bị Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95 và Tiểu đoàn địa phương 3 phối hợp phản kích, đẩy địch ra khỏi Thành cổ, giữ vững trận địa. Quanh Thành cổ, dưới hào nước, xác binh lính đối phương chết vài ngày qua bị trương phềnh, mùi hôi thối nồng nặc.

Ngày 13/9, trời tiếp tục mưa to, lũ lớn, hạn chế khả năng tăng cường lực lượng và vật chất. Trong khi đó, địch áp sát các phía Nam, Đông Nam, Đông Bắc của Thành cổ, cách trận địa ta 100-300m.

Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95 và Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 18 chiến đấu quyết liệt, giằng co với đối phương từng khu vực, góc tường, mảnh vườn. Đến trưa, địch chiếm được góc Đông Nam Thành, nhưng do ta kiên cường phản kích, gây nhiều tổn thất cho đối phương nên đến chiều, buộc đối phương phải rút ra khỏi Thành.

Ngày 14/9, địch tiếp tục tiến công lấn dũi từ ba hướng vào Thành cổ, tập trung chủ yếu vào hướng Nam - Đông Nam. 14 giờ, một trung đội địch lọt vào hướng Tây Nam Thành. Ta lập tức phản kích đẩy lui địch ra ngoài, giữ vững khu vực.

Ngày 15/9, địch dùng lữ đoàn TQLC 258 và 147 tổng công kích từ ba hướng dưới sự chi viện tối đa hỏa lực của không quân, pháo binh, xe tăng, súng phun lửa các loại. Đến cuối ngày 15, địch kiểm soát được cổng Thành phía Nam - Đông Nam, Đông Bắc Thành cổ.

Ta buộc phải lui vào trong Thành cổ, cố thủ. Từ Sở chỉ huy Bảo vệ Thị xã  đã nghe tiếng hò hét lấn dũi của quân đối phương từ phía Nam sát bờ sông tiến vào khu Sở chỉ huy Trung đoàn hỗn hợp.

Cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng kiên cường chiến đấu và bám trụ, bảo vệ Thành cổ đến giọt máu cuối cùng.
Cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng kiên cường chiến đấu và bám trụ, bảo vệ Thành cổ đến giọt máu cuối cùng.

Vượt dòng Thạch Hãn

Trong cuộc chiến này, ngoài sự chiến đấu can trường, dũng cảm của quân giải phóng còn có sự đóng góp to lớn của hậu cần, tiêu biểu là chiến công thầm lặng của những người lính vận tải Trung đoàn bộ binh 48, với mật danh là "Đoàn Quang Sơn". Họ vượt qua sự phong tỏa dày đặc của bom đạn địch ở sông Thạch Hãn để đưa người, hàng, vũ khí đến trận địa, tiếp “máu” cho Thành cổ. 

Đại tá Lê Nghĩa - nguyên Chánh Thanh tra Binh chủng Tăng Thiết giáp, nguyên Phó đại đội trưởng của Tiểu đoàn 25, Sư đoàn 320B - kể lại qua bài viết “Trên dòng Thạch Hãn”: 81 ngày đêm diễn ra chiến dịch bảo vệ Thị xã và Thành cổ Quảng Trị thì có tới gần 40 đêm thuyền máy của đơn vị vận chuyển vũ khí, thương binh cho các đơn vị đang chiến đấu trong Thị xã, mà hầu như đêm nào cũng có tổn thất hy sinh…

Nhận thấy việc dùng sức người mang vác vũ khí, vận chuyển thương binh dưới hỏa lực dày đặc của địch không hiệu quả, Đoàn Quang Sơn  đã vận động địa phương cho dùng thuyền máy của ngư dân đi sơ tán, bỏ lại ở các thôn, xóm ven sông, làm phương tiện vận chuyển.

Ngay tuần đầu tiên, Đoàn Quang Sơn tìm được 3 chiếc thuyền với máy móc còn khá tốt và một số thùng dầu mazut để chạy máy. Trong năm đêm đầu tiên, họ đã vận chuyển khoảng 8 tấn vũ khí vào Thị xã và đưa gần 100 thương binh về tuyến sau an toàn. 

Nhưng rồi địch cũng phát hiện ra ta và ngăn chặn. Máy bay địch thường xuyên thả đèn dù trên sông và rải bom từ trường, nhất là đoạn từ cầu Quảng Trị, thôn Nhan Biều đến căn cứ Ái Tử. Thời gian đầu, bom từ trường đã phá hủy nhiều thuyền, hàng chục cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã hy sinh. Có đêm, ta mất một lúc hai thuyền với hơn 10 đồng chí trên đoạn sông ngang căn cứ Ái Tử.

Đơn vị cử một tổ 3 chiến sĩ công binh do Sư đoàn tăng cường kết hợp với du kích địa phương thực hiện rà phá bom rất thô sơ: Dùng dây ni lông buộc các thùng đạn đại liên của địch (cách 5 mét một thùng) với độ sâu 1,5-2m có cây chuối làm phao rồi chăng ngang sông và kéo xuôi dòng chảy để kích cho bom nổ.

Trong quá trình rà phá bom trên sông, anh em phát hiện nhiều thi thể bộ đội ta hy sinh trong lúc vượt sông vào Thị xã, trôi trong dòng nước hoặc dạt vào các bãi cạn. Ban đêm, khi thuyền ngang qua các đoạn sông có bom phải tắt máy, chỉ để một đồng chí trên thuyền dùng sào chống giữ hướng, số người còn lại buộc dây vào mũi thuyền lội theo mép nước để kéo thuyền qua đoạn nguy hiểm…

Giữa tháng 8/1972, địch chiếm được một số khu vực xung quanh Thị xã và xây dựng trận địa chốt tại Chợ Sải nằm gần bờ sông Thạch Hãn. Hàng đêm, khi thuyền ta đi qua đây, địch từ Chợ Sải ra phục kích trên bờ sông, dùng mìn định hướng Clâymo, súng M72, M79 và các loại hỏa lực khác bắn rất ác liệt, làm chìm một vài thuyền và hy sinh một số anh em.

Đại đội phải tổ chức một tiểu đội hỏa lực gồm súng B41, trung liên… bố trí trên bờ đối diện gần thôn Trung Kiên, phối hợp với hỏa lực của đơn vị bạn và du kích để chế áp địch mỗi khi thuyền của ta qua đoạn sông này.

Tối 15/9, Ban chỉ huy Bảo vệ Thị xã Quảng Trị đã họp, nhận định, sau khi chiếm góc Đông Nam và Nam - Đông Bắc Thành cổ, địch sẽ tập trung lực lượng đánh chiếm toàn bộ Thành cổ. Trong điều kiện quân số chiến đấu còn rất ít, lực lượng bổ sung phản kích chưa sang sông nên Ban chỉ huy quyết định rút toàn bộ lực lượng sang phòng thủ bờ Tả ngạn sông Thạch Hãn. Cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị kết thúc.

Ngày 17/9, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng điện cho Bộ Tư lệnh Mặt trận B5, chỉ rõ: "Bộ đội ta rút khỏi Thị xã chỉ là một sự lui quân có tính chiến thuật. Cần thấy: đứng về phạm vi cả mặt trận, thì cuộc chiến đấu của ta vẫn đang tiếp tục…" (Trích điện số 255Đ ngày 17/9/1972 Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng)...

Đọc thêm