Khắc phục cho được cách tính giá điện chưa hợp lý như hiện nay

(PLVN) - Đây là yêu cầu của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khi kết luận phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 7/9. 
Phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 diễn ra sáng 7/9.
Phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 diễn ra sáng 7/9.

Sẽ trình phê duyệt Quy hoạch điện VIII trong năm 2020

Báo cáo tại Phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ngành điện Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong các lĩnh vực, bám sát các quan điểm phát triển và đã đạt được nhiều mục tiêu quy hoạch đề ra.

Ngành điện đã cung cấp điện ổn định, an toàn, cơ bản đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỷ kWh, tăng 2,35 lần so với năm 2010. Công suất phụ tải lớn nhất toàn hệ thống (Pmax) năm 2019 đạt 38.249 MW.

Hạ tầng cung cấp điện được đầu tư khá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh. Về nguồn điện, tính đến hết năm 2019, tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt 54.880 MW. Về lưới điện, đến cuối năm 2019, tổng chiều dài đường dây 500 kV là 8.496km, tăng 2,2 lần so với năm 2010; chiều dài đường dây 220-110kV tăng từ 23.156km lên 43.174km (tăng 1,9 lần); dung lượng các trạm biến truyền tải cũng tăng khoảng 2,8 lần so với năm 2010.

Công tác đầu tư điện về nông thôn, miền núi, hải đảo được chú trọng thực hiện vượt chỉ tiêu của Đảng và Chính phủ đề ra, góp phần quan trọng trong thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới và hải đảo. EVN đã đảm nhận cấp điện cho 11/12 huyện đảo. 100% số xã và 99,52% hộ dân, trong đó có 99,25% hộ dân nông thôn trên cả nước đã có điện.

Thị trường phát điện cạnh tranh cấp độ 1 hoàn chỉnh đã chính thức vận hành từ ngày 1/7/2012 và đã đạt được các kết quả tích cực, góp phần bảo đảm an ninh cung cấp điện, tăng cường tính minh bạch, công bằng trong việc lập lịch, huy động các nhà máy điện, góp phần tối ưu chi phí toàn hệ thống.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo tại phiên giải trình.
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo tại phiên giải trình.

Điểm lại nhiều tồn tại, hạn chế của ngành điện nước ta, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu phương hướng cân đối cung cầu điện trong giai đoạn 2021-2030. Công suất nguồn điện đến năm 2030 dự kiến khoảng 138.000MW. Đáng chú ý, trong năm 2020, Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII. 

Để phát triển ngành điện trong giai đoạn 2021-2030, sẽ khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện lực; xây dựng cơ chế chính sách tài chính để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư vào nguồn điện; đẩy mạnh các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

Không để bị động vì thiếu năng lượng

Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về vấn đề giá điện. Cụ thể, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Hoàng Quang Hàm, từ năm 2011 tới nay đã có 9 lần điều chỉnh giá bán lẻ điện song chỉ tăng chứ chưa bao giờ giảm. Ông Hàm đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương chưa nỗ lực hết mình để giảm giá thành bán lẻ điện năng, giá điện chưa hợp lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm, phát triển năng lượng là sự phát triển tổng thể, phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của cả nước, của các ngành, các lĩnh vực, là bao trùm, là cốt lõi, là đi trước. Cương quyết không để lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chi phối. 

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, chúng ta đang hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Theo đề án Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011 thì thị trường điện cạnh tranh được xây dựng theo lộ trình có 3 cấp độ, trong đó dự kiến tới năm 2024 mới bắt đầu thực hiện sau khi có tổng kết thí điểm từ năm 2021 - 2024 để đảm bảo ổn định và tính khả thi hiệu quả của mô hình này.

“Đến lúc đó thật sự có giá điện theo cơ chế thị trường”, Bộ trưởng Công Thương nói và cho biết, điều đó có nghĩa là người sử dụng điện cho dù là sản xuất hay tiêu dùng sinh hoạt đều trực tiếp ký hợp đồng với phân phối bán điện giá rẻ. Theo ông Trần Tuấn Anh, “cơ chế điện này có tăng có giảm theo đúng kinh tế thị trường”. Nhà nước chỉ quản lý các phí của hệ thống truyền tải và phân phối.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong thời gian vừa qua, mặc dù mong muốn xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường nhưng theo Luật Giá thì vai trò của Nhà nước phải điều tiết giá, trong đó có cả những vấn đề hỗ trợ cho các đối tượng xã hội, người nghèo...

Kết luận phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh mục tiêu lớn nhất, bao quát nhất là phải đảm bảo năng lượng cho sự phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, có cơ cấu hợp lý, tăng trưởng theo chiều sâu và không để bị động vì thiếu năng lượng. Vì vậy, riêng về cơ chế giá điện, ông Hiển đề nghị tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện đảm bảo các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng, khắc phục cho được cách tính giá điện chưa hợp lý như hiện nay.

Ngoài ra, phải đổi mới tư duy, phải thực hiện các nguyên tắc của cơ chế thị trường: quan hệ cung cầu, cạnh tranh, giá trị - giá cả, hiệu quả nhưng cũng phải đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa: điều tiết, an sinh, phúc lợi xã hội, vùng xâu vùng xa… Sử dụng công cụ của cơ chế thị trường để tạo động lực phát triển, song cũng cần hạn chế mặt trái của cơ chế thị trường.

Đọc thêm