Kiểm soát đặc biệt

(PLO) - “Tôi yêu cầu phải duy trì chế độ kiểm soát môi trường đặc biệt nghiêm ngặt tại nhà máy của Formosa, bảo đảm không để xảy ra bất cứ sự cố môi trường nào. Nhà máy chỉ sản xuất nếu bảo đảm môi trường”, đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi kiểm tra việc chấp hành các yêu cầu bảo đảm môi trường tại Formosa Hà Tĩnh ngày 16/5.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra bể nước thải sau xử lý. Doanh nghiệp đã cho thả cá vào bể, có camera theo dõi sức khoẻ đàn cá, truyền hình ảnh ra ngoài cổng nhà máy 24/24h để người dân giám sát. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra bể nước thải sau xử lý. Doanh nghiệp đã cho thả cá vào bể, có camera theo dõi sức khoẻ đàn cá, truyền hình ảnh ra ngoài cổng nhà máy 24/24h để người dân giám sát. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

"Sự cố" Formosa Hà Tĩnh coi như đã qua. Đến nay Công ty này đã khắc phục được 52/53 hành vi vi phạm, các hạng mục đã cơ bản hoàn thành bảo đảm điều kiện vận hành chính thức lò cao số 1. 

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam là “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” và yêu cầu Formosa tuân thủ tuyệt đối mọi yêu cầu, quy định của cơ quan quản lý nhà nước về kiểm soát môi trường, bảo đảm an toàn trong sản xuất, vận hành nhà máy.

Bất cứ công ty (nói chung là doanh nghiệp) nào mục tiêu của họ cũng tối đa hóa lợi nhuận. Một thời gian dài chúng ta kêu gọi doanh nghiệp, trong đó có FDI phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, quan tâm bảo vệ sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động. Tuy nhiên, cùng với kêu gọi,  Nhà nước vẫn phải thực thi trách nhiệm kiểm soát của mình, phải đấu tranh đến cùng với các vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường.

Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng “hy sinh” lợi ích cộng đồng, tương lai lâu dài của cuộc sống vì lợi nhuận. Một bộ phận cán bộ quản lý vì nhiều nguyên nhân sẵn sàng “bắt tay” với tội phạm môi trường để "kiếm chác". Về vĩ mô, có thể còn nhiều “khoảng trống” về pháp luật, hiệu lực “cưỡng chế” và giáo dục của luật pháp về môi trường chưa cao... Tất cả những điều này làm cho cộng đồng phải chia sẻ “sự cố”. Chưa nói đến người sản xuất cá thể dùng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật... vô tội vạ, đang dần dần “thu hẹp” thời gian sống của chính mình, con cháu họ và đồng loại.

Theo WHO cảnh báo trước đây thì khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam, là những nơi có mức độ ô nhiễm cao nhất thế giới. Quy luật ô nhiễm là cái giá của phát triển. Vậy nên rất cần bộ máy quản lý chuyên nghiệp và pháp luật được thực thi.

Cần phải nói thêm rằng, tội phạm môi trường hiện là một trong những hình thức tội phạm vô cùng hấp dẫn đối với các nhóm tội phạm có tổ chức. Những đối tượng đồng lõa có mặt trong bộ phận công quyền đang làm cho môi trường sống trên thế giới hiện nay bị thách thức hơn bao giờ hết.

Để có môi trường an lành – cần phải kiểm soát đặc biệt. 

Đọc thêm