Kinh tế Việt Nam đối diện 2 sức ép lớn

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ, chiều 3/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nền kinh tế nước ta đang đối diện 2 sức ép lớn, gồm sức ép về tăng trưởng và sức ép về tỉ giá.
Kinh tế Việt Nam đối diện 2 sức ép lớn

Theo Thủ tướng các sức ép chủ yếu là từ vấn đề dài hạn, tồn tại nhiều năm nay, chưa được giải quyết cùng với tình hình quốc tế hết sức phức tạp, nhất là chính sách bảo hộ thương mại, chính sách thuế biên giới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Người đứng đầu Chính phủ phân tích rõ hơn, về tăng trưởng, quý I đạt thấp, đặc biệt là công nghiệp, động lực chính của tăng trưởng. Vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, phải có kịch bản tăng trưởng của từng ngành và sản phẩm, nhằm vào lĩnh vực có nhiều tiềm năng nhưng đạt thấp như công nghiệp khai khoáng, xây dựng, công nghiệp chế tạo… Các lĩnh vực khác như nông nghiệp, du lịch cần tiếp tục đẩy mạnh để đạt con số kỳ vọng tốt nhất.

GDP quý I chỉ đạt trên 5% nên nếu không có quyết tâm chỉ đạo, nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, đặc biệt là các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương thì khó có thể đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm nay, Thủ tướng nêu rõ.

Thứ 2, sức ép tỉ giá cùng với đó là lãi suất gây sức ép lên lạm phát trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD. Cùng với nhiều yếu tố khác trong nước và quốc tế, theo Thủ tướng, nếu không quản lý, điều hành tốt thì khó giữ lạm phát ở ngưỡng 4%.

“Nếu chúng ta tăng trưởng mà lạm phát cao thì không có ý nghĩa”, Thủ tướng nhận định. Nếu không giữ được tăng trưởng và lạm phát thì ảnh hưởng lớn đến một loạt chỉ tiêu như tạo việc làm, thu nhập của người dân…

Thủ tướng còn đề cập số vấn đề tồn tại trong lĩnh vực xã hội như cháy nổ, tai nạn giao thông, nạn phá rừng, cát tặc…

Người đứng đầu Chính phủ đồng thời gợi ý giải pháp để tháo gỡ. Ông cho rằng còn nhiều lãng phí trong xã hội, trong tiêu dùng, cho nên cần triệt để tiết kiệm trong đầu tư, trong sản xuất kinh doanh để giảm chi phí, hạ giá thành, tăng giá trị gia tăng và tăng GDP. Đây không chỉ là giải pháp trước mắt mà là giải pháp cơ bản và dài hạn, phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

“Chúng ta nói có tiến bộ về môi trường đầu tư kinh doanh nhưng thực tế ở địa phương, ở xã, phường, cơ sở, còn một bộ phận cán bộ chưa làm tốt việc này, vì vậy chủ trương của chúng ta là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đặt yêu cầu trong đẩy mạnh cải cách thể chế. Cải cách, đổi mới thể chế là gốc của sự phát triển”, Thủ tướng nêu rõ. 

Đọc thêm