Lối khó cho xe buýt nhanh Hà Nội

(PLO) - Hôm qua – 29/12 tuyến xe buýt nhanh (BRT) đã chạy thử để chuẩn bị cho việc chính thức vận hành vào đầu năm 2017. Nhiều vướng mắc đã xuất hiện trong quá trình chạy thử nghiệm.
Lối khó cho xe buýt nhanh Hà Nội

Hiện nay hệ thống hạ tầng phục vụ buýt nhanh Hà Nội (BRT) đã được hoàn thiện, hệ thống ánh sáng, hành lang bên các nhà chờ sẵn sàng để phục vụ hành khách. Theo lộ trình của xe buýt nhanh, tại các khu vực nhà chờ Láng Hạ, Hoàng Đạo Thúy, Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến, Trung Văn, cầu qua sông Nhuệ… các biển báo chỉ dẫn làn dành riêng cho BRT, hệ thống đèn báo đã được lắp đặt, vạch sơn kẻ đường hoàn tất, nhà chờ vạch kẻ đường kết hợp tín hiệu đèn giao thông cũng hoàn tất. Mọi công việc phục vụ cho tuyến xe buýt nhanh được ưu tiên từ làn đường riêng, đèn tín hiệu tới cấm các phương tiện khác lưu thông để giảm mật độ. 

Tuy vậy, quá trình chạy thử nghiệm từ bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông) tới bến xe Kim Mã (quận Ba Đình) đã làm lộ ra nhiều “điểm nghẽn”. Đó là, cùng với đó là những cung đường quá chật hẹp, không đáp ứng diện tích cho lượng xe lưu thông giờ cao điểm cùng ý thức tham gia giao thông rất kém của nhiều người dân. Chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ cung đường nào của Hà Nội giờ cao điểm cảnh những chiếc ô tô lấn làn hay những chiếc xe máy len lỏi, chui rúc vào mọi khoảng trống có thể len lỏi mà không quan sát. Chính vì vậy mà ngay trong những lần thử nghiệm, tiếng là xe buýt  nhanh nhưng thực tế ghi nhận là tổng quãng thời gian nhanh hơn với xe buýt thường chỉ từ 5-10 phút.

Anh Hoàng Hải, cư dân trên phố Lê Văn Lương bày tỏ lo ngại: “ Liệu rằng tốc độ di chuyển của BRT liệu có nhanh như tên gọi hay không. Nhiều khi đi đường, xe máy cứ tạt đầu xe bus, cũng khiến xe đi chậm. Đường riêng của BRT đúng là cũng có kẻ vạch nhưng những người khác liệu có tuân thủ không đi vào hay cứ nghênh ngang đi trước mũi BRT làm ảnh hưởng đến thời gian chạy xe. Hay bus nhanh chả khác gì bus chậm?”.

Chính vì vậy mà sắp tới đây khi tuyến xe buýt chính thức đi vào vận hành, các lực lượng chức năng cần phải theo dõi và phải điều chỉnh, tháo gỡ ngay những khó khăn gặp phải trong thời gian vận hành hoạt động. Mặt khác, cần phải có một bộ phận liên ngành thường trực để giải quyết, hướng dẫn các phương tiện tham giao thông để tránh ùn tắc xảy ra vào giờ cao điểm. Sẽ rất nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình vận hành tuyến xe buýt nhanh trong thời gian tới, có thể nạn tắc đường sẽ thêm trầm kha trên tuyến đường xe buýt nhanh vận hành, nhưng đó cũng là cái giá cần trả để người tham gia giao thông và ngay cả nhà quản lý có thêm những bài học cần thiết để xây dựng bộ mặt mới cho giao thông thủ đô đang ngày một xấu hơn hiện nay.

Chắc chắn rằng, xe buýt nhanh sẽ nhanh hơn nhiều nếu mỗi người tham gia giao thông biết “chậm” lại một chút.

Đọc thêm