Lý do thúc đẩy Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú

(PLO) - Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều qua (3/8), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết bà “lấy làm tiếc” về phát biểu ngày 2/8 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức liên quan đến vụ việc Trịnh Xuân Thanh.
Lý do thúc đẩy Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú

 Trịnh Xuân Thanh: “Tôi đầu thú để được hưởng sự khoan hồng…” 

Trong “Đơn tự thú” và khi phát biểu với phóng viên VTV, Trịnh Xuân Thanh cho biết: “Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết nên tôi đã trốn tại Đức. Trong thời gian này, cuộc sống luôn bấp bênh, lo sợ. Được sự động viên của gia đình và bạn bè tôi đã về Việt Nam và ra Cơ quan An ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật. Tôi thấy cần phải về đối diện với sự thật. Thứ hai là cần về gặp lại mọi người đặc biệt là những lãnh đạo để báo cáo nhận khuyết điểm, xin lỗi. Gia đình động viên, tôi đã xin về tự thú”.

 Việt Nam đang điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh

Tại cuộc họp báo, vụ việc của bị can Trịnh Xuân Thanh (sinh năm 1966; nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) nhận được sự quan tâm của phóng viên trong và ngoài nước. Trả lời câu hỏi đề nghị cho biết thông tin và phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 2/8 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết, một viên chức của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã bị yêu cầu rời khỏi nước này sau 48 giờ do bị cáo buộc liên quan đến vụ việc được cho là bắt ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: “Tôi lấy làm tiếc về phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ngày 2/8”.

Trước đề nghị của phóng viên Hãng tin DPA của Đức yêu cầu xác nhận thông tin từ một số nguồn cho rằng Trịnh Xuân Thanh bị “bắt cóc”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh thông tin về vụ việc đã được Bộ Công an đưa ra và báo chí Việt Nam đã đăng tải. “Theo thông báo ngày 31/7 của Bộ Công an Việt Nam thì cùng ngày, ông Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú. Hiện nay các cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành điều tra”, bà Hằng nêu rõ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức.

Hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam là bình thường

Cũng tại cuộc họp báo, trước câu hỏi đề nghị xác minh thông tin và giải thích về việc hoạt động dầu khí giữa Việt Nam và Tập đoàn REPSOL đã dừng lại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định hoạt động thăm dò dầu khí giữa Việt Nam và đối tác Tây Ban Nha là hoạt động kinh tế bình thường. “Lộ trình, tiến độ triển khai dự án là quyết định của doanh nghiệp trên cơ sở đảm bảo quyền và lợi ích của các bên liên quan”, bà Hằng nói. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng nêu rõ tất cả các hoạt động dầu khí liên quan của Việt Nam được tiến hành tại khu vực biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. “Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, đóng góp tích cực và thiết thực cho hòa bình và hợp tác ở Biển Đông”, bà nói. 

Về việc hôm 30/7, tàu Bình Định số hiệu 96101 TS bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm vào mạn phải và bỏ chạy, làm 1 ngư dân bị thương nhẹ, tàu hư hỏng nặng tại vùng biển phía Đông Nam cách đảo Cù Lao Xanh, Bình Định khoảng 145 hải lý và vào 13h30 cùng ngày, tại vị trí cách nam Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 120 hải lý, tàu cá Khánh Hòa số hiệu KH 95858 TS bị tàu cảnh sát biển Indonesia bắn vỡ cabin, hỏng máy chính…, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay, các cơ quan chức năng của Việt Nam hiện đang làm rõ các thông tin liên quan. “Tuy nhiên, Việt Nam phản đối mạnh mẽ các hành vi vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực với các ngư dân của Việt Nam”, bà Hằng nhấn mạnh. 

Đọc thêm