Miền Trung thiệt hại nặng sau bão Nari

(PLO) - Theo báo cáo của các ban, ngành chức năng Trung ương, đến chiều tối qua (15/10), trên địa bàn TP.Đà Nẵng có gió giật cấp 8, cấp 9, mưa to trên diện rộng. Theo ghi nhận của PV, tại các tuyến đường trung tâm thành phố, cây cối, trụ điện ngã đổ ngổn ngang; nhiều nhà dân tốc mái. Chiều tối cùng ngày, toàn thành phố vẫn đang trong tình trạng mất điện, mất nước.
Cây cối ngã đổ ở Đà Nẵng sau bão Nari
Cây cối ngã đổ ở Đà Nẵng sau bão Nari
Trước đó, từ 2 giờ đến 7 giờ sáng 15/10, bão Nari đổ bộ vào TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, trở thành trận cuồng phong lớn, kéo dài nhất từ trước tới nay với sức gió giật cấp 11, cấp 12, giật cấp 13. Nhiều người dân gần như thức trắng đêm lo bão, nhất là những hộ gia đình sống trong nhà mái tôn.
Trong cuộc họp nhanh của Ban Chỉ đạo tiền phương diễn ra lúc 8h30 và chiều  15/10, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đánh giá, dù bão Nari có cường độ gió thấp hơn cơn bão Xangsena năm 2006,  nhưng thời gian bão đổ bộ vào đất liền kéo dài không kém gì Xangsena, nguy hiểm hơn, thời điểm lại diễn ra vào nửa đêm về sáng.
Theo báo cáo sơ bộ, tính đến chiều 15/10, tại khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam và vùng ảnh hưởng Thừa Thiên Huế đã có 3 người chết, 2 người mất tích và khoảng hơn 30 người bị thương. Riêng thiệt hại về tài sản chưa thể thống kê được.
Đà Nẵng: Hỗ trợ 4 tỉ đồng/địa phương sau bão
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo tiền phương phòng chống bão số 11 tại cuộc họp chiều 15/10, đến nay Đà Nẵng đã có 11 người bị thương sau bão, trong đó có 4 người ở quận Ngũ Hành Sơn, 1 người Sơn Trà, 2 người ở huyện Hòa Vang bị thương nặng được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện; nhiều nhà cửa người dân bị sập hoàn toàn hoặc tốc mái, hàng ngàn cây xanh, cột điện bị gãy đổ.
Ngoài ra, tại  phía Tây chân cầu Thuận Phước, một chiếc tàu của Cty Hợp Tiến 36 chở hàng từ Hải Phòng vào neo đậu tránh bão tại vịnh Đà Nẵng, đã bị sóng đánh dạt vào kè đá, theo thông tin từ trên tàu cho biết, có 8 thuyền viên đi trên chiếc tàu này.
Trước tình hình thiệt hại, UBND TP.Đà Nẵng đã duyệt hỗ trợ số tiền 4 tỷ đồng/địa phương (gồm Đà Nẵng và Quảng Nam) để khắc phục hậu quả bão số 11, trong đó 2 tỷ đồng hỗ trợ các hộ dân nghèo khó khăn sửa chữa nhà ở sập, hư hỏng và 2 tỷ sửa chữa các công trình trường học.
Trước mắt, hỗ trợ gia đình người chết 2 triệu đồng/ người, bị thương nặng  1,5 triệu đồng/người; nhà tốc mái hoàn toàn 2 triệu đồng/trường hợp, tốc mái một phần 500.000 đồng/trường hợp. Yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra tình hình khắc phục để học sinh sớm đi học trở lại. Các lực lượng khác nhanh chóng khắc phục tình trạng mất điện, cúp nước, thông tin liên lạc trong buổi sáng ngày 17/10.
Quảng Nam: Hàng ngàn ngôi nhà bay theo bão
Đầu giờ ngày 15/10, theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, về thiệt hại đầu tiên do bão số 11 gây ra cho địa phương này: có trên 5.000 ngôi nhà bị hư hỏng nặng; gần 200 ngôi nhà bị sập hoàn toàn; 11 phòng học bị tốc mái; 57 trang trại ở huyện Điện Bàn bị tốc mái; nhiều tuyến đường bị sạt lở nặng. Bão số 11 cũng đã làm 3 người chết và 4 người ở  các huyện Hiệp Đức, Đại Lộc và Nông Sơn bị thương do chằng chống nhà cửa.
Đặc biệt, ở phố cổ Hội An mưa bão gây ngập lụt nhiều tuyến đường, có nhiều đoạn nước ngập lên đến nửa mét, gây ách tắc giao thông cục bộ. Tại huyện Thăng Bình, mưa lớn cộng với gió lốc đã làm đổ ngã nhiều cây cối, nhiều trường học, trụ sở làm việc bị tốc mái.
Bão đã thổi tung la phông tầng 2 của Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình, buộc Trung tâm phải di chuyển khẩn cấp 20 bệnh nhân đến nơi an toàn ngay trong đêm. Toàn tỉnh Quảng Nam đã mất điện từ đêm 14/10 đến tối 15/10 vẫn chưa thể khắc phục.
Nhà ông Nguyễn Văn Giáo, thôn Bình An 2, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc bị tốc mái hoàn toàn
Nhà ông Nguyễn Văn Giáo, thôn Bình An 2, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc bị tốc mái hoàn toàn 
Thừa Thiên Huế: Bão tấn công, nhà cửa tan hoang
Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, từ 3h hôm qua (15/10) có mưa to đến rất to, gió giật mạnh, có nơi sức gió giật trên cấp 10. Theo ghi nhận của PV, trên các đường phố ở TP.Huế, nhiều cây xanh bật gốc, nhiều bảng hiệu, biển báo gãy đổ.
Tính đến 17h hôm qua (15/10), đường về xã Hải Dương qua cầu Ca Cút, thị xã Hương Trà nước ngập sâu gần 1m nên các phương tiện giao thông qua đoạn này đều tê liệt.
Hàng trăm hộ dân ở các xã vùng trũng nằm ven phá  Tam Giang của huyện Quảng Điền đã ngập lụt do thủy điện điều tiết nước, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn bị chia cắt.  
Theo Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên Huế, đến 17h hôm qua (15/10), toàn tỉnh có 1 người bị lũ cuốn mất tích và 11 người khác bị thương khi đang giằng chống nhà cửa phòng chống bão. Trong đó, ông Nguyễn Đức Bi (65 tuổi, trú xã Phong Bình, H. Phong Điền) bị chấn thương sọ não hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Hai em nhỏ ở xã Lộc Tiến, huyện  Phú Lộc bị sóng biển cuốn trôi vào chiều 13/10 đến nay vẫn chưa tìm thấy xác. Toàn tỉnh có 17 nhà bị sập hoàn toàn và 669 nhà bị tốc mái, phần lớn là ở huyện Phú Lộc và huyện Nam Đông. Do cây xanh gãy đổ nhiều nên tàu SE1 và SE21 bị kẹt tại ga Huế đến chiều cùng ngày mới thông tuyến trở lại.
Tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, hơn 3000 mét vuông nhà xưởng Khu phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây của Cty CP Đầu tư Sài Gòn - Huế (SGH)  tại Khu Kinh tế Chân Mây Lăng Cô đã đổ sập; hai nhà xưởng khác hơn 7000 mét vuông bị gió uốn cong. Theo một nhân viên đang trực tại đây, khu nhà xưởng bị đổ sập ước tính hơn 3 tỷ đồng…

Đọc thêm